CHÍNH
PHỦ
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số:
122/2006/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2006
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ NĂM 2005 VỀ CHẾ ĐỘ,
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ PHỤC VỤ TẠI NGŨ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng
12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày
21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân
sự ngày 22 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa
vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định một số chế độ, chính sách đối
với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, gồm: chế độ được hưởng thêm phụ cấp
quân hàm; chế độ nghỉ phép; chế độ, chính sách được hưởng khi xuất ngũ; chế độ
tiếp nhận trở lại công tác tại cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành
phần kinh tế, trở lại các trường và cơ sở đào tạo mà hạ sĩ quan, binh sĩ trước
khi nhập ngũ đã có giấy gọi vào học ở các trường và cơ sở đào tạo đó; chính
sách việc làm đối với quân nhân thôi phục vụ tại ngũ.
2. Nghị định này
áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện chế độ phục vụ tại ngũ
theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng
6 năm 2005.
Điều 2. Chế độ phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ
1. Hạ sĩ quan,
binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 18 tháng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ
tại ngũ thì từ tháng thứ 19 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ
cấp quân hàm hiện hưởng.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng thì từ tháng thứ
19 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp quân
hàm hiện hưởng.
3. Hạ sĩ quan,
binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ
tại ngũ thì từ tháng thứ 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ
cấp quân hàm hiện hưởng.
4. Khoản
phụ cấp thêm từ tháng thứ 19 và tháng thứ 25 trở đi quy định tại khoản 1, khoản
2 và khoản 3 Điều này, không áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đang chờ chuyển
chế độ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng; chờ đi học, dự
thi tuyển sinh quân sự; đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài quân đội
và các trường hợp khác.
Điều 3. Chế độ nghỉ phép
Hạ sĩ
quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ năm thứ hai trở đi mỗi năm được nghỉ phép một
lần, thời gian một lần nghỉ là 10 ngày (không kể thời gian đi, về) và được
thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định.
Riêng hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường, thời
gian học từ 1 năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa 2 năm học thì thời gian nghỉ
hè được tính vào chế độ nghỉ phép. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến
đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải
quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán một khoản tiền do Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định.
Điều 4. Quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ
1. Trợ cấp tạo việc
làm: hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ đủ 18 tháng trở lên khi
xuất ngũ được hưởng 6 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối
với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại
thời điểm xuất ngũ.
2. Trợ cấp xuất ngũ một lần: cứ mỗi năm phục vụ trong
quân đội được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương theo mức lương tối
thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc
lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
Nếu có tháng lẻ:
a) Dưới 1 tháng không
được hưởng trợ cấp xuất ngũ;
b) Từ 1 tháng đến
dưới 6 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu
chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực
lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
c) Từ 6 tháng đến
dưới 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu
chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực
lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
3. Trường hợp hạ
sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đã làm việc và đóng bảo hiểm xã hội ở các
cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế thì được
hưởng như sau:
a) Khi xuất ngũ về
địa phương: hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, là lao động theo hợp đồng lao động
đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì được tính hưởng trợ cấp thôi việc như cán
bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng khi thôi việc. Việc chi trả
trợ cấp thôi việc cho hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương do cơ quan nhà
nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế mà hạ sĩ quan, binh
sĩ đã làm việc trước khi nhập ngũ thanh toán theo quy định hiện hành.
Trường hợp các tổ
chức, cơ sở kinh tế đã giải thể thì cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ
chức, cơ sở kinh tế nói trên đóng Bảo hiểm xã hội chịu
trách nhiệm thanh toán.
b) Khi xuất ngũ
chuyển sang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các
thành phần kinh tế thì thời gian phục vụ tại ngũ được tính hưởng bảo hiểm xã hội
theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
4. Hạ sĩ quan,
binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2
tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Nếu xuất ngũ trước
thời hạn 24 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 19 đến dưới 24
tháng được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
5. Được đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ
xuất ngũ tổ chức đưa họ về nơi cư trú bằng tàu, xe hoặc thanh toán tiền tàu,
xe, phụ cấp đi đường theo quy định.
6. Đơn vị quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước
khi họ xuất ngũ, mức chi cho buổi gặp mặt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Điều 5. Chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ
1. Hạ sĩ quan,
binh sĩ trước khi nhập ngũ làm việc ở cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cơ sở kinh
tế thuộc các thành phần kinh tế thì được cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh tế tiếp
nhận trở lại làm việc sau khi xuất ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh tế đó
đã giải thể hoặc phá sản thì cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý của cơ quan, tổ
chức, cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm giải quyết việc làm.
Trường hợp cơ quan
cấp trên trực tiếp quản lý cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh tế đó đã giải thể hoặc
không có cơ quan trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức kinh tế, tổ
chức xã hội cùng cấp để giải quyết việc làm.
2. Hạ
sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, tổ chức,
các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm
nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng
chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động ở cơ sở kinh tế đó.
3. Hạ sĩ quan, binh
sĩ trước khi nhập ngũ có giấy gọi vào học ở các trường dạy nghề, trung học
chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thì khi xuất ngũ được tiếp nhận vào học tại
các trường đó.
Trường hợp hạ sĩ
quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ có sức khoẻ, có
nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm thì được hưởng các chính sách theo quy
định hiện hành.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo. Bãi bỏ phần chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 190/CP ngày 24
tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự về chế độ, chính sách đối với quân
nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ.
Bộ Quốc phòng có
trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối
cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|