ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 107/KH-UBND
|
Nam Định, ngày 04 tháng 12 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
VỀ TẬP
TRUNG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÁC CẤP, NHẤT LÀ CẤP CHIẾN LƯỢC, ĐỦ PHẨM CHẤT,
NĂNG LỰC VÀ UY TÍN, NGANG TẦM NHIỆM VỤ TỈNH NAM ĐỊNH, THEO NGHỊ QUYẾT SỐ
132/NQ-CP NGÀY 24/10/2018 CỦA CHÍNH PHỦ
Thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-CP
ngày 24/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về
"tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ
phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Kế hoạch số 10-KH/TW
ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW;
Thực hiện Kế hoạch số 49-KH/TU
ngày 09/7/2018 của Tỉnh ủy Nam Định thực hiện Nghị quyết số
26-NQ/TW;
UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Các sở, ban, ngành, UBND huyện,
thành phố, các tổ chức hội thực hiện quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết
số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 132/NQ- CP, Kế hoạch số 10-KH/TW và Kế hoạch số
49-KH/TU tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của
lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc đổi mới
công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ
phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,
nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Người đứng đầu và toàn thể cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, địa phương, đơn vị xác định
các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tham mưu
cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số
26-NQ/TW, Nghị quyết số 132/NQ-CP, Kế hoạch số 10-KH/TW và Kế hoạch số 49-KH/TU
đã đề ra (sau đây gọi là Nghị quyết, Kế hoạch).
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ
YẾU
1. Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền
a) Các sở, ban, ngành, UBND huyện,
thành phố, các tổ chức hội phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng
cấp tổ chức triển khai, nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị quyết, Kế
hoạch trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc
thẩm quyền quản lý. (Hoàn thành trong quý IV năm 2018).
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nam Định và các cơ quan có
liên quan làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông
tin đại chúng với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tinh
thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân
để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đặc biệt chú
trọng tới việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động và thế hệ trẻ, trong đó tập trung vào nội dung xây
dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. (Thực hiện
từ năm 2018)
c) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan thực hiện phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các
chính sách, chương trình, đề án, chiến lược đã được ban hành hoặc sau khi được
cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cụ thể:
- 05 Luật: (1) Luật sửa đổi, bổ sung
Luật Tổ chức Chính phủ; (2) Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa
phương; (3) Luật sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức; (4) Luật sửa đổi, bổ
sung Luật viên chức; (5) Luật sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở. (Thực hiện khi
Luật ban hành).
- 07 Nghị định: (1) Nghị định về quy
hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động
và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; (2) Nghị định
quy định việc áp dụng một số điều của Luật cán bộ, công chức đối với cán bộ;
(3) Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan
hành chính nhà nước; (4) Nghị định quy định về đánh giá và phân loại đối với
cán bộ, công chức, viên chức; (5) Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018
sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch
công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công
việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; (6) Nghị
định sửa đổi, bổ sung nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ
quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ;
(7) Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của
Chính phủ về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam
ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động
khoa học và công nghệ tại Việt Nam. (Thực hiện khi Nghị định ban hành).
- 10 Đề án, chương trình, chính sách,
chiến lược: (1) Đề án thí điểm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống
chính trị thông qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch, dân chủ; (2)
Chính sách về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý người đại diện phần vốn nhà nước
tại doanh nghiệp; (3) Đề án cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của hệ
thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp; (4) Đề án thực hiện thống nhất việc
kiểm định chất lượng đầu vào công chức; (5) Chiến lược quốc gia thu hút, trọng
dụng nhân tài; (6) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và cơ chế phát
hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, tốt nghiệp loại giỏi, xuất
sắc ở trong nước và nước ngoài để tạo nguồn cán bộ lâu dài; (7) Đề án Chương
trình học song ngữ trong các cấp học phổ thông, hoàn thành trong quý I năm
2019, triển khai từ năm học 2019 - 2020; (8) Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; (9)
Đề án về xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân cách mạng, Công an nhân dân cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng,
Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới; (10) Đề án bảo vệ
chính trị nội bộ trên không gian mạng, nhất là bảo vệ cán bộ cấp chiến lược. (Thực
hiện khi Đề án, chương trình, chính sách, chiến lược được ban hành).
2. Hoàn thiện các văn bản quy phạm
pháp luật về công tác cán bộ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong hệ
thống chính trị và phù hợp với thực tế
a) Các sở, ban, ngành, UBND huyện,
thành phố, tổ chức hội có trách nhiệm rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành hoặc
kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về công tác
cán bộ đúng nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác
cán bộ; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống
chính trị, bảo đảm liên thông trong công tác cán bộ giữa các cơ quan trong hệ
thống chính trị. Thực hiện từ quý IV năm
2018.
b) Các cơ quan có nhiệm vụ về tổ chức
bộ máy, cán bộ; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương
cần chú trọng tới các quy định về: Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu
trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ; Kiểm soát quyền
lực; kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó chú trọng
xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ
hưu; Chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về tuyển dụng, quy
hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức; Làm rõ nguyên
tắc, cơ chế liên thông trong công tác cán bộ nhằm bảo đảm sự liên thông trong
hệ thống chính trị, nhất là liên thông giữa hệ thống các cơ quan đảng và chính
quyền, giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện
trở lên, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công với nguồn nhân lực ở khu vực tư;
Xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ để nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới bỏ chế độ “công chức suốt đời”; Hoàn
thiện cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có
trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho
phát triển nhanh, bền vững; Các nội dung về thi đua, khen thưởng bảo đảm đúng
người, đúng việc, đúng thời điểm, khắc phục tình trạng chia tỷ lệ, cào bằng. Thực
hiện từ tháng 11/2018 và cập nhật, bổ sung khi
có văn bản mới của Chính phủ, bộ, ngành.
c) Các cơ quan đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch, bao gồm:
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp, đôn
đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Luật và
các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành (sau khi được ban hành, sửa đổi, bổ sung)
về:
+ Quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công
chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và
doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hoàn thành trong quý I, II năm 2019.
+ Chuyển đổi vị trí công tác đối với
công chức, viên chức (không giữ chức danh lãnh đạo quản lý) theo Nghị định số
158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công
tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức,
viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Hoàn
thành trong quý II năm 2019.
+ Đổi mới về đánh giá và phân loại
đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện khi có văn bản sửa đổi của
trung ương.
+ Sửa đổi, bổ sung một số quy định về
tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và
thực hiện chế độ hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành
chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thành trong Quý I năm 2019.
+ Đổi mới các nội dung về thi đua,
khen thưởng. Thực hiện khi có văn bản sửa đổi của trung ương.
+ Nâng cấp, khai thác có hiệu quả dữ
liệu trong Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định. Thực
hiện từ tháng 12/2018.
- Các Sở, ban, ngành tham mưu cho
UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ theo chức
năng, nhiệm vụ được giao. Hoàn thành trong quý II năm 2019.
3. Xây dựng Chiến lược quốc gia
thu hút, trọng dụng nhân tài và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây
dựng các đề án để triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài
và để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi
quản lý. Cụ thể:
- Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai
thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo
nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa
học trẻ. Xây dựng chiến lược của tỉnh về thu hút nhân tài. Quy định khung cơ
chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho
phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện khi Chiến lược quốc gia thu hút, trọng
dụng nhân tài của trung ương ban hành.
- Rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo lại đối với cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động có ngành đào tạo về chuyên môn không
phù hợp với vị trí việc làm. Hoàn thành trong năm 2019.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện
chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp. Thực hiện từ
năm 2019.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì
phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh:
- Xây dựng chương trình đào tạo, bồi
dưỡng nhân tài và cơ chế phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ
từ học sinh, sinh viên để tạo nguồn cán bộ lâu dài. Thực hiện từ năm 2019.
- Triển khai thí điểm Chương trình
học song ngữ trong các cấp học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào
tạo. Thực hiện từ năm 2019.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để xây dựng thực hiện hiệu quả các nội dung nêu trên.
4. Về chính sách nhà ở
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các
cơ quan liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch
đất ở, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên
nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội
nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an
nhân dân trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Thực hiện từ năm 2019.
- Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai
thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở sau khi được ban hành.
5. Tăng cường
công tác quản lý cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố, các tổ chức hội theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên
sau đây:
- Rà soát đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để xác định các đối tượng trong từng đơn vị
trực thuộc đáp ứng được các tiêu chuẩn về phẩm chất chính
trị, đạo đức, uy tín, khả năng làm việc, phù hợp về độ tuổi, tỷ lệ nữ, có tính
đến kế thừa và chuyển tiếp trong từng giai đoạn cụ thể;
- Tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình
trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán
bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng tạo lập môi trường làm việc dân chủ, cạnh
tranh, bình đẳng, tạo mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, thúc
đẩy đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám
đột phá vì lợi ích chung;
- Xây dựng kế hoạch phát triển đội
ngũ lãnh đạo quản lý ở từng cấp trên cơ sở gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn chức danh; đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản
lý giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các
lĩnh vực, địa bàn khác nhau tạo sự liên thông trong công tác cán bộ; xác định
rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu trong việc
tiến cử người có đức, có tài để đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế
mình; hoàn thiện cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ
có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo,
quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ;
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ
động xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ theo từng vị trí việc làm
trên cơ sở lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, công khai kết
quả và so sánh với chức danh tương đương. Kết quả đánh giá cá nhân gắn với kết
quả đánh giá tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa
phương; xây dựng Quy chế thực hiện phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm cụ
thể trong nội bộ từng đơn vị;
- Coi trọng công tác bảo vệ chính trị
nội bộ, nắm chắc lịch sử chính trị và tập trung vào vấn đề chính trị hiện nay
của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện chủ trương không xem xét quy hoạch,
bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động khi chưa có kết luận về tiêu
chuẩn chính trị;
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên
đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa và
xử lý sai phạm;
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh những
tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng
quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp
tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết
định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm
những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm".
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị
quyết, Kế hoạch. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách các địa phương, cơ
quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết,
Kế hoạch tại các địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.
2. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ
tịch UBND huyện, thành phố, các tổ chức hội có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra,
đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch của trung ương, của tỉnh
và Kế hoạch thực hiện của cơ quan, địa phương mình; định kỳ hàng năm báo cáo
kết quả thực hiện (gửi Sở Nội vụ) trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
3. Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc các
sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các tổ chức hội việc triển khai thực
hiện Nghị quyết, Kế hoạch; định kỳ báo cáo UBND tỉnh trước ngày 05 tháng 12
hàng năm và kiến nghị UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện
đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch này; bám sát các nội dung liên quan trong
chương trình làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thực hiện việc báo cáo theo quy
định.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện
Nghị quyết này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc Kế hoạch
này, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các tổ chức hội chủ động đề
xuất, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để báo
cáo);
- Bộ Nội vụ; (để báo
cáo);
- TT. Tỉnh ủy; (để báo
cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, TP Nam Định;
- Các tổ chức hội đặc thù cấp tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc;
- CPVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh, Website VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP8.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị
|