NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
Điều 3: Về lĩnh vực Pháp luật:
1. Xây dựng và tham gia xây dựng
các dự án luật, các văn bản dưới luật, các cơ chế chính sách thuộc chuyên ngành
giao thông vận tải đường bộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cấp có thẩm
quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền.
2. Tham gia hoặc trực tiếp soạn
thảo, đàm phán (theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), kiến nghị về
việc ký kết, sửa đổi, gia hạn, bãi bỏ những điều ước Quốc tế mà phía Việt Nam
đã ký kết hoặc tham gia về giao thông vận tải đường bộ trình Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quyết định.
3. Hướng dẫn, tổ chức và kiểm
tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải về
giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước. Kiến nghị với Bộ truởng Bộ
Giao thông vận tải về các vấn đề có liên quan tới quản lý giao thông và vận tải
đường bộ, để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc
trình Chính phủ ban hành.
4. Tham gia với các cơ quan có
liên quan về việc tuyên truyền, giáo dục Pháp luật đối với viên chức và lao động
thuộc ngành giao thông vận tải đường bộ và tuyên truyền Pháp luật giao thông vận
tải đường bộ đối với toàn xã hội.
5. Tham gia xem xét, đề xuất biện
pháp giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp pháp lý quốc tế
trong phạm vi hoạt động giao thông vận tải đường bộ.
Điều 4: Về lĩnh vực quy
hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển:
1. Căn cứ vào phương hướng chiến
lược, kế hoạch phát tiển kinh tế xã hội của nhà nước để xây dựng chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về phát triển giao thông và vận
tải đường bộ trong phạm vi cả nước, để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình
Chính phủ phê duyệt.
Hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật,
nghiệp vụ cho các địa phương về quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải
địa phương.
2. Trực tiếp quản lý vốn bảo trì
sửa chữa các quốc lộ, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Chính
phủ và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Tham gia ý kiến với các tổ chức
và cơ quan có liên quan xây dựng các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trong nước
và nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư về lĩnh vực giao thông vận tải đường
bộ.
4. Giao chỉ tiêu kế hoạch (hoặc
đơn đặt hàng) bảo trì, sửa chữa các quốc lộ cho các đơn vị trực thuộc và các Sở
Giao thông vận tải (Giao thông công chính) được uỷ thác quản lý quốc lộ.
5. Hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo,
kiểm tra các đơn vị trực thuộc và các Sở Giao thông vận tải hoặc Giao thông
công chính (phần kế hoạch đặt hàng hay uỷ thác) trong việc quản lý, bảo trì đường
bộ và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điều 5: Về lĩnh vực quản
lý cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ:
1. Tổ chức quản lý quy hoạch, kế
hoạch sửa chữa hệ thống đường bộ.
2. Tổ chức và chỉ đạo quản lý, bảo
trì, khai thác cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và bố trí hệ thống báo hiệu đường
bộ đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả đối với hệ thống quốc lộ theo phân cấp.
Hướng dẫn các sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) thực hiện các chế độ,
quy trình, quy phạm quản lý và khai thác hệ thống đường bộ địa phương.
3. Phối hợp với các cơ quan,
chính quyền địa phương và các ngành có liên quan trong việc quản lý và bảo vệ
các công trình giao thông đường bộ theo quy định của Pháp luật (kể cả hành lang
bảo về an toàn công trình giao thông đường bộ).
4. Tổ chức công tác bảo đảm giao
thông thông suốt, đồng thời hỗ trợ các địa phương đảm bảo giao thông khi có
thiên tai, địch hoạ xảy ra.
5. Cung cấp các loại bản đồ, tài
liệu và thông tin giao thông vận tải đường bộ cho các đơn vị có liên quan theo
quy định.
Điều 6: Về lĩnh vực vận tải,
phương tiện cơ giới đường bộ và người lái xe:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
và cơ chế chính sách về vận tải và phương tiện cơ giới đường bộ, để Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền. Cục
Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.
2. Tham gia xây dựng hoặc xây dựng
các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương tiện cơ giới đường bộ, bao gồm các lĩnh vực sản
xuất, xuất nhập khẩu và khai thác phương tiện (kể cả phương tiện cơ giới đường
bộ đã qua sử dụng) để Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải ban hành theo thẩm quyền;
Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.
3. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc
thực hiện giá cước vận tải, bốc xếp, dịch vụ vận tải theo thẩm quyền đối với
các thành phần kinh tế hoạt động vận tải đường bộ.
4. Nghiên cứu, xây dựng chính
sách bảo hộ đối với ngành vận tải đường bộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
trình Chính phủ quyết định.
5. Phối hợp với các cơ quan có
liên quan trong việc đăng ký hành chính, lập sổ đăng bạ xe vận tải, xe chuyên
dùng. Tổ chức đăng ký hành chính phương tiện thi công cơ giới đường bộ đối với
các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước (kể cả tổ chức,
cá nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam)
6. Quản lý tổ chức công tác vận
tải đường bộ trong phạm vi cả nước và liên vận quốc tế. Cấp, thu hồi giấy phép
hành nghề vận tải đường bộ của các tổ chức và cá nhân trong phạm vi toàn quốc
theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
7. Quản lý công tác bảo dưỡng, sửa
chữa, hoán cải ô tô trong phạm vi toàn quốc; cấp và thu hồi giấy phép bảo dưỡng,
sửa chữa và cải tạo ô tô.
8. Xét duyệt hoặc chủ trì xét
duyệt thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ và tham gia hội đồng nghiệm
thu chất lượng kỹ thuật về sản xuất, cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ.
9. Thực hiện chức năng quản lý
Nhà nước đối với công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe trong phạm vi toàn quốc.
Tổ chức sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cho các đối tượng theo phân công của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 7: Về lĩnh vực an
toàn giao thông vận tải:
1. Xây dựng các quy trình, quy
phạm, tiêu chuẩn và biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và vận tải đường bộ
trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; Cục Đường bộ Việt nam hướng dẫn,
tổ chức và kiểm tra thực hiện.
2. Tổ chức, chỉ đạo lực lượng
thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi toàn quốc. Xử
lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những vi phạm về an toàn giao
thông, bảo vệ công trình giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị.
3. Tham gia với các cơ quan có
thẩm quyền trong việc quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương
tiện cơ giới đường bộ; các quy định về kiểm tra dịch bệnh, cháy, nổ, ô nhiễm
môi trường,... trên các phương tiện vận tải đường bộ.
4. Tham gia với các cơ quan chức
năng và chính quyền địa phương phân tích nguyên nhân những vụ tai nạn giao
thông nghiêm trọng.
5. Tham gia Ban thường trực Uỷ
ban An toàn giao thông quốc gia.
6. Tổ chức nghiên cứu, lưu giữ và
tuyên truyền thông tin về an toàn giao thông vận tải đường bộ.
Điều 8. Về lĩnh vực kinh
tế tài chính:
1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
thực hiện đúng chính sách, chế độ tài chính, kế toán, thống kê; phối hợp với
các cơ quan có liên quan, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải (giao thông công
chính) được uỷ thác sử dụng vốn đường bộ theo quy định của Nhà nước và của Bộ
Giao thông vận tải.
2. Chỉ đạo, tổ chức bộ máy kế
toán phù hợp với tính chất của từng loại hình doanh nghiệp và các đơn vị sự
nghiệp của Cục; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ về công
tác tài chính kế toán cho phù hợp với đặc thù của ngành.
3. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc
lập kế hoạch thu chi tài chính (kể cả thu chi ngoại tệ), tổng hợp trình các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giao và kiểm tra các đơn vị trực thuộc
thực hiện kế hoạch thu chi tài chính theo quy định của nhà nước và phân cấp của
Bộ Giao thông vận tải.
4. Quản lý cơ sở vật chất, tài sản,
kinh phí được giao theo quy định và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.
5. Xây dựng các chế độ thu phí cầu,
đường, cước phà, lệ phí cấp các loại chứng chỉ và tài liệu về vận tải và giao
thông đường bộ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo phân cấp của Bộ Giao
thông vận tải giao kế hoạch thu chi tài chính và tổ chức, chỉ đạo việc thu phí,
lệ phí đường bộ và các khoản thu khác phát sinh, kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực
hiện chế độ thu nộp ngân sách.
6. Xây dựng khung giá cước vận tải,
xếp dỡ, dịch vụ vận tải đường bộ trình cơ quan có thẩm quyền công bố, hoặc công
bố theo thẩm quyền.
7. Duyệt quyết toán và tổng hợp
quyết toán tài chính thuộc phần ngân sách Nhà nước cấp về sự nghiệp đường bộ
theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài
chính phê duyệt. Phối hợp với cơ quan Tài chính quản lý vốn và tài sản Nhà nước
tại doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, phê duyệt báo cáo tài chính năm của doanh
nghiệp thuộc Cục và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
8. Tổ chức thực hiện các quy định
có liên quan về quản lý vốn đầu tư khi Cục được Chính phủ hoặc Bộ Giao thông vận
tải giao là chủ đầu tư các dự án phát triển giao thông, vận tải đường bộ.
9. Thực hiện chế độ thống kê báo
cáo theo quy định.
Điều 9. Về lĩnh vực khoa
học công nghệ:
1. Xây dựng và tham gia xây dựng
hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên
ngành giao thông vận tải đường bộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban
hành, Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.
2. Tổ chức nghiên cứu các đề tài
khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ quản lý trong ngành giao
thông vận tải đường bộ.
3. Thực hiện chức năng Hội đồng
khoa học công nghệ cấp ngành.
4. Hợp tác với các tổ chức khoa
học công nghệ trong và ngoài nước để nghiên cứu các đề án phát triển ngành giao
thông vận tải; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành giao thông vận tải
đường bộ.
5. Tổ chức thông tin khoa học
công nghệ về giao thông vận tải đường bộ.
Điều 10. Về lĩnh vực quan
hệ quốc tế:
1. Xây dựng phương hướng, kế hoạch
hợp tác quốc tế, đàm phán, soạn thảo văn bản về quan hệ hợp tác với các nước về
giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hoặc
Bộ trưởng trình Chính phủ phê duyệt.
2. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải trong việc tham gia (hoặc không tham gia) với các tổ chức quốc tế
về giao thông vận tải đường bộ; theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
được quan hệ với các tổ chức giao thông vận tải đường bộ quốc tế.
3. Quản lý các dự án do quốc tế
tài trợ cho ngành giao thông vận tải đường bộ theo phân cấp của Bộ Giao Thông vận
tải. Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép hợp
tác đầu tư nước ngoài và quản lý các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
Điều 11. Về lĩnh vực tổ
chức, cán bộ và lao động:
1. Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và lao động thuộc Cục Đường bộ
Việt Nam để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Cục Đường bộ Việt
Nam tổ chức thực hiện.
2. Xây dựng các chức danh tiêu
chuẩn công chức và viên chức, định mức lao động và chế độ lao động đặc thù thuộc
chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành, Cục hướng dẫn tổ chức và kiểm tra thực hiện.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra
các đơn vị thuộc cục đường bộ Việt Nam và tham gia cùng các cơ quan có thẩm quyền
kiểm tra, thanh tra các đơn vị trong ngành giao thông vận tải đường bộ thực hiện
các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm, bảo hộ lao động chuyên ngành.
4. Quản lý tổ chức, định biên
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh
lãnh đạo do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.
Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam
được bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh còn lại
thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải.
5. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng
công nhân viên chức chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ theo phân cấp của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
6. Chỉ đạo và tham gia với các cấp
có thẩm quyền triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các đơn vị thuộc
Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
7. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải thành lập, giải thể, sắp xếp lại các tổ chức sự nghiệp, các doanh
gnhiệp trực thuộc Cục theo quy định của Chính phủ.
Điều 12. Về lĩnh vực
thanh tra Nhà nước:
1. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra,
kiểm tra trong phạm vị quyền quản lý nhà nước trực tiếp của Cục Đường bộ Việt
Nam; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo pháp lệnh khiếu nại tố cáo và quy chế hoạt
động của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
2. Tổng hợp hoạt động công tác
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vị quản lý trực tiếp của Cục
để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.