Nghị định 128: thêm khuôn khổ pháp lý để sắp xếp lại DNNN

26/01/2015 08:50 AM

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Văn bản mới này cùng với Nghị định 59 về cổ phần hóa được ban hành từ năm 2011 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới.

Năm 2014 đã có 76 doanh nghiệp nhà nước bán đấu giá 49% cổ phần trên thị trường chứng khoán, nhưng nhiều doanh nghiệp không bán hết trong lần đầu đấu giá, thậm chí bán được rất ít - Ảnh: Minh Khuê

Khó khăn còn ở phía trước

Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, trong giai đoạn 2014-2015, phải hoàn thành sắp xếp được 479 DNNN, trong đó cổ phần hóa 432 doanh nghiệp; bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 25 doanh nghiệp. Thế nhưng tính đến ngày 25-12-2014 (gần một năm qua đi), cả nước mới sắp xếp được 167 doanh nghiệp (gấp 1,6 lần năm 2013 nhưng mới bằng 35% mục tiêu), trong đó cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp (gấp hai lần năm 2013 nhưng mới chỉ đạt 33% mục tiêu). Nếu xét theo danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hóa sau khi rà soát, bổ sung lại mới đây (hiện đã lên tới 532 doanh nghiệp, tăng thêm 100 doanh nghiệp so với trước), thì có thể thấy nhiệm vụ còn lại cho năm 2015 sẽ gặp không ít khó khăn. 

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2014 có 76 doanh nghiệp bán đấu giá 49% cổ phần trên Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó 64 doanh nghiệp đã thu về hơn 5.100 tỉ đồng, bằng 66% kế hoạch. Trong số 64 doanh nghiệp này, chỉ có 25 doanh nghiệp bán hết số cổ phần chào bán (chiếm 39%), còn lại đều không bán hết trong lần đầu đấu giá, thậm chí chỉ bán được với tỷ lệ rất thấp (dưới 10%) như trường hợp các doanh nghiệp cảng biển hoặc một vài doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng.

Với Nghị định 128, ít nhất, cơ chế cho việc bán và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được ban hành

Về thoái vốn, tính đến ngày 25-12-2014, các DNNN đã thoái được 6.076 tỉ đồng theo giá trị sổ sách tại 233 doanh nghiệp, thu về hơn 8.000 tỉ đồng (bằng 1,3 lần mệnh giá). Tuy vậy, vẫn còn khoảng 12.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành cần được thoái trong thời gian tới.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Một trong những trọng tâm của công tác đẩy mạnh sắp xếp lại các DNNN là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động này. Kể từ năm 2011 cho đến nay, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc ban hành các văn bản pháp luật, tiêu biểu trong số đó phải kể đến như Nghị định 59/2011/NĐ-CP  về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Thông tư 196/2011/TT-BTC  và Thông tư 127/2014/TT-BTC  nhằm hướng dẫn cụ thể Nghị định 59; Quyết định 51/2014/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Các quy định trên chủ yếu nhằm điều chỉnh hoạt động cổ phần hóa, trong đó đột phá mới nhất là Quyết định 51 có hiệu lực từ ngày 1-11-2014 cho phép việc thoái vốn dưới mệnh giá và yêu cầu ở cấp độ cao hơn đối với việc thực thi niêm yết của các DNNN (doanh nghiệp chào bán ra công chúng sau ba tháng phải lên UpCOM, sau một năm phải niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán).

Mới đây nhất, ngày 31-12-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nếu như Nghị định 59 tập trung các quy định về cổ phần hóa thì Nghị định 128 nhấn mạnh vào hoạt động bán và chuyển giao. Đối tượng và điều kiện áp dụng của Nghị định 128 ngoài các doanh nghiệp thuộc diện bán đã được Thủ tướng phê duyệt trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì còn bao gồm các doanh nghiệp thuộc diện nhưng không thực hiện được. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể cổ phần hóa thành công do vướng các quy định về hồ sơ pháp lý, định giá không hấp dẫn hay kết quả kinh doanh yếu kém nhưng tỷ lệ bán ra lại thấp, không đủ mời gọi nhà đầu tư muốn nắm cổ phần chi phối. Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư muốn một mình mua lại cổ phần của các DNNN để dễ dàng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, hoạch định các kế hoạch kinh doanh. Nghị định 128 mới ban hành có thể được coi là giải pháp tháo gỡ khó khăn trên khi áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp trong trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận. Nhà đầu tư nước ngoài cũng được mở rộng cửa chào đón khi được mua doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ không hạn chế (ngoại trừ một vài ngành nghề, lĩnh vực).

Về giá bán, theo Nghị định 128, giá khởi điểm được xác định theo nguyên tắc không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước và giá trị quyền sử dụng đất nếu người mua kế thừa các khoản nợ. Số tiền bán doanh nghiệp sau khi nộp vào ngân sách nhà nước phần giá trị quyền sử dụng đất (nếu có), được sử dụng vào các mục đích như thanh toán các chi phí phục vụ cho việc bán doanh nghiệp, thanh toán các khoản nợ mà người mua không kế thừa, thực hiện chính sách đối với người lao động khi bán doanh nghiệp. Nghị định cũng có một điều khoản mới là cho phép giảm giá tối đa 5% giá bán không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và không vượt quá số vốn chủ sở hữu nếu doanh nghiệp trả tiền một lần ngay sau khi mua. Đây được coi là một biện pháp nhằm khuyến khích cầu, tạo một khoảng lùi cho “giá khởi điểm” nhằm thu hút thêm nhà đầu tư khi các nguyên tắc xác định giá khởi điểm vẫn được giữ nguyên một cách chặt chẽ.

Nghị định 128 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2015. Mặc dù có thể sẽ phải chờ thêm các thông tư hướng dẫn nghị định này một cách cụ thể hơn nhưng ít nhất, cơ chế cho việc bán và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được ban hành. Hy vọng cùng với Nghị định 59, Nghị định 128 sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình sắp xếp lại DNNN trong thời gian tới.

Linh Trang

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,212

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn