Biểu mẫu 10/09/2022 08:31 AM

Mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất và cách viết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
10/09/2022 08:31 AM

Tôi chuẩn bị làm hồ sơ xin việc làm, trong đó có yêu cầu về sơ yếu lý lịch có chứng thực. Vậy cho tôi hỏi mẫu sơ yếu lý lịch nào được sử dụng hiện tại và thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch thế nào? - Hoàng Minh (TP.HCM)

Mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất và cách viết

Mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất và cách viết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sơ yếu lý lịch là gì? 

Sơ yếu lý lịch có thể được hiểu là tờ khai tổng quan về thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, tên cha, tên mẹ và những thông tin khác như quá trình học tập, làm việc…

Sơ yếu lý lịch được sử dụng trong các hoạt động như xin việc làm, nhập học hoặc trong một số thủ tục hành chính,...

2. Nội dung cơ bản trong sơ yếu lý lịch

- Ảnh 4x6;

- Thông tin cá nhân: họ tên, giới tính, năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú, số CMND, dân tộc,…

- Quan hệ gia đình: họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, nơi công tác của bố mẹ đẻ, anh chị em ruột (nếu có).

- Tóm tắt quá trình đào tạo.

- Tóm tắt quá trình công tác.

- Lời cam đoan.

- Chữ ký và xác nhận đóng dấu của địa phương.

3. Mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất

Mẫu sơ yếu lý lịch

4. Cách viết sơ yếu lý lịch đơn giản 

* Mục I: Thông tin bản thân

- Họ tên, ngày tháng năm sinh: Họ tên, ngày tháng năm sinh phải viết đúng với CMND/CCCD, riêng họ tên cần viết in hoa.

- Phần địa chỉ: 

+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay phải viết rõ thôn (số nhà, đường phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) theo đúng số hộ khẩu.

+ Nơi ở hiện tại phải viết rõ thôn (số nhà, đường phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).

+ Nguyên quán là nơi sinh sống của ông, bà nội, cha đẻ, trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ).

- Dân tộc: Đa số là dân tộc Kinh, nếu là dân tộc khác thì viết tên dân tộc gốc của bản thân. Nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài.

- Tôn giáo: Ghi rõ đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo… ghi cả chức sắc trong tôn giáo (nếu có), không theo đạo nào thì ghi Không.

- Số CMND/CCCD: Ghi theo số và thông tin trên thẻ CMND hoặc CCCD.

- Trình độ văn hóa: Viết rõ thông tin 12/12 chính quy hay 12/12 bổ túc văn hóa.

- Trình độ ngoại ngữ: Ghi cụ thể các văn bằng có liên quan tới trình độ ngoại ngữ chẳng hạn như đại học Anh Ngữ, Pháp Ngữ hay Nga Ngữ.

- Ngày kết nạp Đoàn: căn cứ thông tin trên thẻ Đoàn.

- Ngày kết nạp Đảng: Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam/ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp).

- Khen thưởng/ Kỷ luật: Viết rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng/ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật.

- Sở trường: Ví dụ như MC, ca hát,…

* Mục II: Quan hệ gia đình

Ghi rõ họ và tên, năm sinh, nghề nghiệp, cơ quan công tác và chỗ ở hiện nay theo các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, khai sinh,...

* Mục III: Tóm tắt quá trình đào tạo

Quá trình đào tạo thì cần ghi rõ thời gian bao gồm tháng và năm, tên trường và trung tâm đào tạo, ngành học, hình thức đào tạo, văn bằng chứng chỉ. 

Trong đó:

- Quá trình học tập từ cấp bậc tiểu học đến cao đẳng, đại học hoặc các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ. 

- Hình thức đào tạo như chính quy, tại chức, bồi dưỡng,..

- Văn bằng chứng chỉ là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kĩ sư,..

* Mục IV: Tóm tắt quá trình công tác

Quá trình công tác cần ghi rõ thời gian từ tháng đến năm và đơn vị công tác, chức vụ mà bạn nắm giữ. Cần ghi rõ đã từng công tác ở đơn vị nào, giữ chức vụ gì, công việc chính bạn được phân công, đảm nhiệm.

5. Quy định về chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Theo Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định đối với tờ khai lý lịch cá nhân sẽ thực hiện việc chứng thực chữ ký.

Trong đó, chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

5.1. Trường hợp không được chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Trường hợp không được chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch theo Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:

- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền

Và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.

5.2. Thủ tục chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Việc chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân sẽ được áp dụng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:

- Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

+ Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình 

Và việc chứng thực không thuộc các trường hợp tại mục 5.1 thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

- Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, 

Nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện quy định thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

5.3. Nơi chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Nơi chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch được quy định tại khoản 2 Điều 23 và khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:

- Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; 

- Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; 

- Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

5.4. Mức phí chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Mức phí chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch là 10.000 đồng/ trường hợp (trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản) theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 45,970

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn