Nhà công vụ là gì? 06 cần biết về nhà công vụ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
26/08/2022 14:01 PM

Tôi đang làm việc trong cơ quan nhà nước và có mong muốn thuê nhà công vụ để ở. Vậy khi thuê nhà công vụ cần có những điều kiện gì? - Lâm Anh (Quảng Trị)

Nhà công vụ là gì? 06 cần biết về nhà công vụ

Nhà công vụ là gì? 06 cần biết về nhà công vụ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nhà công vụ là gì?

Nhà công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác theo khoản 5 Điều 3 Luật Nhà ở 2014.

2. Đối tượng được thuê nhà công vụ

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở 2014 thì đối tượng được thuê nhà công vụ bao gồm:

(1) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;

(2) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện tại (1) được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên;

Được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên;

(3) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện tại (2) được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang;

(5) Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

(6) Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

(7) Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

3. Điều kiện được thuê nhà công vụ 

Điều kiện được thuê nhà công vụ theo khoản 2 Điều 32 Luật Nhà ở 2014 như sau:

- Đối với đối tượng tại (1) mục 2 thì được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh;

- Đối với đối tượng tại (2), (3), (4), (5), (6) và (7) tại mục 2 thì phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác

Hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực khác nhau.

4. Đất để xây dựng nhà công vụ

Theo Điều 29 Luật Nhà ở 2014 thì đất để xây dựng nhà công vụ được quy định như sau:

- Diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ được xác định cụ thể trong quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với nhà ở công vụ của cơ quan trung ương thì Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ trên địa bàn, trừ trường hợp đối với nhà ở công vụ cho các đối tượng tại (4) mục 2.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

- Đối với nhà ở công vụ cho các đối tượng tại (4) mục 2 thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh xác định diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ.

- Đối với nhà ở công vụ của địa phương thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ khi lập, phê duyệt quy hoạch.

- Nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở công vụ.

5. Nguyên tắc xác định giá thuê nhà công vụ

Nguyên tắc xác định giá thuê nhà công vụ quy định tại Điều 33 Luật Nhà ở 2014 như sau:

- Tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê trong quá trình sử dụng nhà ở công vụ.

- Không tính tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở công vụ và không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ hoặc chi phí mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ.

- Giá thuê nhà ở công vụ được quyết định và xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền như sau:

+ Bộ Xây dựng quản lý nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư;

+ UBND cấp tỉnh quản lý nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

- Trường hợp thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ thì người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê nhà ở thấp hơn giá thuê nhà ở thương mại theo quy định của Chính phủ.

6. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê nhà công vụ

Bên thuê nhà công vụ có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 34 Luật Nhà ở 2014 như sau:

- Người thuê nhà ở công vụ có các quyền sau đây:

+ Nhận bàn giao nhà ở và các trang thiết bị kèm theo nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà;

+ Được sử dụng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác;

+ Đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời những hư hỏng nếu không phải do lỗi của mình gây ra;

+ Được tiếp tục ký hợp đồng thuê nhà ở công vụ nếu hết thời hạn thuê nhà ở mà vẫn thuộc đối tượng và có đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ;

+ Thực hiện các quyền khác về nhà ở theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.

- Người thuê nhà ở công vụ có các nghĩa vụ sau đây:

+ Sử dụng nhà vào mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian thuê nhà ở;

+ Có trách nhiệm giữ gìn nhà ở và các tài sản kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà ở công vụ; trường hợp sử dụng căn hộ chung cư thì còn phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư;

+ Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;

+ Trả tiền thuê nhà ở theo hợp đồng thuê nhà ở ký với bên cho thuê và thanh toán các khoản chi phí phục vụ sinh hoạt khác theo quy định của bên cung cấp dịch vụ;

+ Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ;

+ Chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị cưỡng chế thu hồi nhà ở;

+ Các nghĩa vụ khác về nhà ở theo quy định của luật và theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.

>>> Xem thêm: Các bản hợp đồng thuê nhà công vụ sẽ được cơ quan có thẩm quyền nào lưu giữ? Những đối tượng nào được phép thuê nhà công vụ?

Nhà công vụ của đơn vị có phải là tài sản công hay không? Tài sản công là nhà công vụ có phải chịu sự thanh tra và giám sát của cơ quan có thẩm quyền?

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,461

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn