Con dấu: chỗ cởi, chỗ trói

12/09/2016 13:33 PM

Việc “giải thiêng” cho con dấu của doanh nghiệp là phù hợp với tập quán chung của thế giới và đáng lẽ cần được nhân rộng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thoát được ràng buộc này.

Một trong những cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là việc cho phép doanh nghiệp tự quyết số lượng, nội dung và cách thức sử dụng con dấu. Thế nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp buộc phải có con dấu.

Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu cho các doanh nghiệp và tổ chức không được thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2014 vừa được ban hành, thay thế cho Nghị định số 58/2001/NĐ-CP. Theo đó, các doanh nghiệp và tổ chức được thành lập và hoạt động theo các luật sau đây vẫn buộc phải có con dấu: Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác xã...

Các doanh nghiệp này vẫn phải khắc dấu và đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan công an như trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời. Cơ quan công an vẫn sẽ có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp là đối tượng được cơ quan công an cấp con dấu. Nói cách khác, các doanh nghiệp này không được quyền tự do chọn lựa trong việc sử dụng con dấu - cải cách mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 mang lại.

Về mặt pháp lý, Nghị định 99 điều chỉnh việc quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp không thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 - tức là khoảng trống mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 không với tới. Nó có cơ sở để ra đời. Tuy nhiên, Nghị định 99 khơi gợi cho chúng ta nhiều điều.

Thứ nhất, nó duy trì một hình thức phân biệt đối xử giữa các doanh nhiệp với nhau. Doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và doanh nghiệp thành lập theo các luật khác, về pháp lý, đều là doanh nghiệp hợp pháp. Các doanh nghiệp này cũng thành lập theo một trong các hình thức doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp điều chỉnh như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần... (dĩ nhiên là trừ hợp tác xã vì Luật Doanh nghiệp không điều chỉnh hợp tác xã). Vậy có khác biệt gì giữa con dấu của doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp thành lập theo luật khác?

Thứ hai, nó đặt ra câu hỏi về sự khác biệt giữa con dấu do cơ quan công an cấp và con dấu không do cơ quan công an cấp và cơ quan công an có buộc phải đảm nhận việc khắc dấu hay không?

Điều thú vị là theo Nghị định 58, con dấu được cho là “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Nhưng theo Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử thì giá trị của một văn bản không phụ thuộc vào việc nó có được đóng dấu hay không. Có lẽ cũng vì vậy, Nghị định 99 không quy định gì về hiệu lực hoặc giá trị pháp lý của văn bản có đóng dấu, mà mô tả rất chân phương rằng: “Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước”. Nghĩa là con dấu chỉ để đóng, mà không khẳng định vị trí hay giá trị pháp lý nào của văn bản hết. Sự thay đổi trong Nghị định 58 và Nghị định 99 một lần nữa đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của con dấu - vốn đã bị Luật Doanh nghiệp năm 2014 phủ nhận.

Thứ ba, từ việc khắc dấu cho doanh nghiệp, cơ quan công an sẽ có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp này. Việc kiểm tra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đó là chưa kể cơ chế kiểm tra có thể bị lợi dụng để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó có Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc thành lập doanh nghiệp sẽ tuân thủ quy định chung của Luật Doanh nghiệp. Các luật chuyên ngành sẽ chỉ được áp dụng khi có quy định đặc thù về việc tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp. Nói khác đi, có thể trong tương lai gần, đa số doanh nghiệp đều sẽ được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, khi đó, Nghị định 99 có chết yểu?

Cuối cùng, cuộc chiến dường như không chỉ xung quanh con dấu của doanh nghiệp mà còn là chỉ dấu cho vấn đề quan trọng hơn: khi nào doanh nghiệp mới thực sự được tự do và khi nào Nhà nước (hoặc các cơ quan nhà nước) mới từ bỏ khả năng can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp?

Lê An Hải

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,839

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn