Quy định về đoàn cơ sở trong tổ chức của Đoàn thanh niên

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/08/2022 16:46 PM

Cơ quan tôi có 2 chi đoàn cơ sở thì có đủ điều kiện thành lập đoàn cơ sở không? Đoàn cơ sở có nhiệm vụ, quyền hạn gì? - Hoàng Minh (Gia Lai)

Quy định về đoàn cơ sở trong tổ chức của Đoàn thanh niên

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đoàn cơ sở là gì?

- Theo khoản 1 Điều 17 Điều lệ Đoàn quy định tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy, đoàn cơ sở là một trong những cơ quan thuộc tổ chức cơ sở Đoàn.

- Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập đoàn cơ sở quy định tại Điều 13 Điều lệ Đoàn.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của đoàn cơ sở

Đoàn cơ sở là cơ quan của tổ chức cơ sở Đoàn nên có các nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức cơ sở Đoàn như sau:

2.1. Nhiệm vụ của đoàn cơ sở

Theo Điều 18 Điều lệ Đoàn quy định về nhiệm vụ của đoàn cơ sở như sau:

- Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

- Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.

- Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.

2.2. Quyền hạn của đoàn cơ sở

Theo Điều 19 Điều lệ Đoàn quy định về quyền hạn của đoàn cơ sở như sau:

- Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế, xã hội.

- Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.

- Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp.

3. Điều kiện để thành lập đoàn cơ sở là gì?

Theo điểm 11.2 Hướng dẫn 16 HD/TWĐTN-BTC ngày 17/8/2018 quy định về điều kiện để thành lập đoàn cơ sở như sau:

- Đơn vị có từ 02 chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập đoàn cơ sở.

- Đối với xã, phường, thị trấn có từ 02 chi đoàn trở lên nhưng không đủ 30 đoàn viên vẫn thành lập đoàn cơ sở.

- Ở những đơn vị đặc thù, đoàn cơ sở có thể đề nghị thành lập đoàn bộ phận (đối với những đơn vị có cấp ủy tương ứng về cấp) và đề nghị đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. 

Đoàn bộ phận có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của đoàn cơ sở. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, con dấu và nhiệm kỳ của đoàn bộ phận áp dụng như đoàn cơ sở.

4. Nhiệm kỳ Đại hội của đoàn cơ sở

Theo khoản 2 Điều 20 Điều lệ Đoàn thì nhiệm kỳ Đại hội đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn; đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp là 5 năm 1 lần.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,401

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn