06 điều cần biết về giấy thông hành

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
30/06/2022 14:29 PM

Khi công dân Việt Nam ra nước ngoài thường nghe nói đến việc cấp và sử dụng giấy thông hành. Vậy giấy thông hành là loại giấy gì? Được áp dụng trong trường hợp nào? 06 lưu ý về giấy thông hành sẽ được tổng hợp qua bài viết dưới đây:

1. Giấy thông hành là gì?

Khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định giấy thông hành là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên giới.

Theo điểm d khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 , giấy thông hành được xem là 01 trong 04 loại giấy tờ xuất nhập cảnh hợp pháp mà công dân được phép sử dụng.

06 điều cần biết về giấy thông hành

06 điều cần biết về giấy thông hành

2. Thời hạn sử dụng của giấy thông hành

Giấy thông hành cũng tương tự như hộ chiếu phổ thông được cấp theo thủ tục rút gọn là có thời hạn sử dụng không quá 12 tháng và không được phép gia hạn.

(Căn cứ khoản 3 Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 )

3. Ai được cấp giấy thông hành?

Hiện nay, giấy thông hành được cấp cho các đối tượng thuộc trong 03 trường hợp quy định tại Điều 19 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 , bao gồm:

- Công dân Việt Nam cư trú ở đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương khác nhưng có trụ sở đóng tại tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

Điều 4 Nghị định 76/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các đối tượng được cấp giấy thông hành qua 03 quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền với Việt Nam như sau:

- Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia được cử sang tỉnh biên giới đối diện của Campuchia công tác.

- Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào:

+ Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào;

+ Công dân Việt Nam không có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nhưng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào.

- Đối tượng được cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc:

+ Công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc;

+ Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc được cử sang vùng biên giới đối diện của Trung Quốc để công tác.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành

Theo Điều 5 Nghị định 76/2020/NĐ-CP , hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành được quy định như sau:

- 01 tờ khai theo Mẫu M01 ban hành kèm theo Nghị định 76/2020/NĐ-CP đã điền đầy đủ thông tin.

Mẫu M01

Tờ khai của các trường hợp dưới đây thì thực hiện như sau:

+ Người quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 76/2020/NĐ-CP thì tờ khai phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp quản lý;

+ Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thì tờ khai do cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khai và ký tên, có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Trưởng công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú;

+ Người chưa đủ 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc với cha hoặc mẹ thì tờ khai phải do cha hoặc mẹ khai và ký tên.

- 02 ảnh chân dung, cỡ 4cm x 6cm. 

Trường hợp người chưa đủ 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành với cha hoặc mẹ thì dán 01 ảnh 3cm x 4cm của trẻ em đó vào tờ khai và nộp kèm 01 ảnh 3cm x 4cm của trẻ em đó để dán vào giấy thông hành.

- Giấy tờ khác đối với các trường hợp dưới đây:

+ 01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

+ 01 bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện theo pháp luật đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự , người chưa đủ 14 tuổi. 

Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

+ Giấy thông hành đã được cấp, nếu còn giá trị sử dụng;

+ Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với trường hợp ủy quyền nộp hồ sơ.

5. Trình tự cấp giấy thông hành

Giấy thông hành được cấp theo trình tự các bước như sau:

- Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2020/NĐ-CP .

- Khi nộp hồ sơ, người đề nghị phải xuất trình giấy CMND hoặc thẻ CCCD còn giá trị sử dụng để đối chiếu.

- Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thì người được cử đi nộp hồ sơ xuất trình giấy giới thiệu, giấy CMND hoặc thẻ CCCD còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu.

- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự , người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện theo pháp luật của mình làm thủ tục.

- Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành; kiểm tra, đối chiếu; thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả.

- Người đề nghị cấp giấy thông hành phải nộp lệ phí; nếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan quy định tại Điều 7 Nghị định 76/2020/NĐ-CP thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

(Điều 7 Nghị định 76/2020/NĐ-CP )

6. Thời hạn và thẩm quyền cấp giấy thông hành

Điều 9 Nghị định 76/2020/NĐ-CP quy định thời hạn và thẩm quyền cấp giấy thông hành như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Lào cấp giấy thông hành và trả kết quả cho người đề nghị. Trường hợp chưa cấp thì trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc; 

Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc cấp giấy thông hành và trả kết quả cho người đề nghị. Trường hợp chưa cấp thì trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 44,881

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập cảnh

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn