Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/06/2022 16:12 PM

Công ty nợ lương lâu ngày không trả thì người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty hay không?

Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty không?

Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty không?

1. Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động như sau:

Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Như vậy, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã đó khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn.

2. Thủ tục phá sản công ty

Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định Luật Phá sản 2014 gồm các bước sau:

2.1. Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

* Theo Điều 27 Luật Phá sản 2014 quy định đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

- Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, người lao động, đại diện công đoàn quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014 phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Ngày, tháng, năm.

+ Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết phá sản.

+ Tên, địa chỉ người làm đơn.

+ Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

+ Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động.

Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.

- Trường hợp có để xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

- Kể từ ngày nộp đơn, người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ.

* Phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 30 Luật Phá sản 2014 như sau:

- Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Toà án nhân dân.

+ Gửi đến Toà án nhân dân qua bưu điện.

- Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Toà án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2.2. Toà án nhận đơn

- Phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 31 Luật Phá sản 2014:

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chánh án Toà án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 32 Luật Phá sản 2014 như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trường trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật Phá sản 2014 thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn.

+ Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Toà án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân khác.

+ Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2.3. Toà án thụ lý

Toà án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Toà án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, theo Điều 39 Luật Phá sản 2014.

2.4. Mở thủ tục phá sản

Theo Điều 42 Luật Phá sản 2014 thì việc mở thủ tục phá sản quy định như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014.

- Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

- Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

2.5. Hội nghị chủ nợ

Theo Điều 75 Luật Phá sản 2014 quy định về việc triệu tập và gửi thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ như sau:

- Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Điều 105 Luật Phá sản 2014.

- Thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ và các tài liệu khác có liên quan phải được gửi cho người có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ và người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ quy định tại Điều 77 và Điều 78 Luật Phá sản 2014, chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc Hội nghị. Giấy triệu tập Hội nghị chủ nợ phải ghi rõ thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị chủ nợ, chương trình, nội dung Hội nghị chủ nợ.

- Thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ, tài liệu gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, fax, telex, thư điện tử hoặc bằng phương thức khác có ghi nhận việc gửi này.

2.6. Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Theo Điều 107 Luật Phá sản 2014 về quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản theo điểm c khoản 1 Điều 83 Luật Phá sản 2014 thì Toà án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

- Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua Nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

2.7. Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

- Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được quy định tại Điều 110 Luật Phá sản 2014.

>>> Xem thêm: Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động gồm những nội dung gì?

Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản doanh nghiệp?

Giải quyết thủ tục phá sản ra sao khi hội nghị chủ nợ không được diễn ra theo quy định của pháp luật?


Quốc Đạt

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,843

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn