Cha “bắt con” sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
22/03/2022 15:38 PM

Nhiều trường hợp sau khi ly hôn, chồng cũ dùng vũ lực hoặc các phương thức khác để “bắt con” khi không được Tòa án trao quyền nuôi con, hoặc con không đồng ý sống cùng cha, với lý do thương con. Hành vi cha bắt con có bị xem làm vi phạm pháp luật không? Nếu có thì có thể bị xử lý như thế nào?

Cha “bắt con” sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào?

Cha “bắt con” sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Cha/mẹ “bắt con” sau khi ly hôn có vi phạm pháp luật không?

Theo Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014, nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định như sau:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp chồng/vợ cũ sau khi ly hôn mà không được trao quyền nuôi con phải tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi dưỡng con, đồng thời thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp chồng/vợ cũ có hành vi gây cản trở việc nuôi dưỡng con của đối phương, thậm chí là bắt con, người nuôi dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người đó.

Song song đó, người trực tiếp nuôi dưỡng không có quyền cản trở người không trực tiếp nuôi dưỡng thăm nom con. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình cha, mẹ và con được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Cha/mẹ “bắt con” bị xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, theo đó:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 15 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trong trường hợp sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không được trao quyền nuôi con có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm “bắt con” có thể bị truy cứu TNHS về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Thay vì thực hiện hành vi trái pháp luật như bắt cóc với lý do thương con, thì người không được trao quyền nuôi con có thể tìm bằng chứng về việc người trực tiếp nuôi dưỡng không làm tròn bổn phận nuôi con, và nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn.

3. Thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định như sau:

- Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

+ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

- Trong trường hợp có căn cứ người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

+ Người thân thích;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,173

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn