04 trường hợp công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/03/2022 16:30 PM

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, công dân Việt Nam vẫn có thể có hai quốc tịch.

04 trường hợp công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch

04 trường hợp công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch (Ảnh minh họa)

Sau đây là 04 trường hợp công dân Việt Nam có hai quốc tịch.

1. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

2. Trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài

- Theo khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định, người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài trong các trường hợp:

+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Theo Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài

- Theo khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008quy định, người được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Theo Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Trường hợp trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi

Theo Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:

Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Như vậy trong trường hợp trẻ em là người mang quốc tịch Việt Nam được công dân nước ngoài nhận nuôi thì pháp luật Việt Nam vẫn cho phép trẻ em mang hai quốc tịch.

>>> Xem thêm: Đại biểu Quốc hội mang hai quốc tịch có được không? Đại biểu Quốc hội có quyền sửa đổi Hiến pháp hay không?

Nếu một người mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch của nước khác thì khi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Nhật Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 141,142

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn