Trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/02/2022 10:44 AM

Đăng ký tạm trú là thủ tục hành chính bắt buộc khi người dân đến sinh sống tại một địa điểm khác chưa đăng ký thường trú, trong thời gian dài. Vậy trong trường hợp nào người dân không phải đăng ký tạm trú?

Trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú?

Trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú? (ảnh minh họa)

02 trường hợp không phải đăng ký tạm trú

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020, khi công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Như vậy, căn cứ quy định trên, có 02 trường hợp công dân không phải đăng ký tạm trú, bao gồm:

- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú;

- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú nhưng dưới 30 ngày.

Tuy nhiên, trong trường hợp đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú nhưng dưới 30 ngày, dù không phải đăng ký tạm trú nhưng người dân phải thực hiện thông báo lưu trú.

Thủ tục thông báo lưu trú

Theo khoản 6 Điều 2 Luật cư trú 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA, theo đó:

- Hình thức thông báo lưu trú:

+ Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;

+ Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;

+ Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;

+ Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.

- Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên thiết bị điện tử tiếp nhận thông báo lưu trú.

- Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này.

- Thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,476

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn