Ly hôn với người đã bỏ trốn, mất tích như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/02/2022 17:20 PM

Vợ hoặc chồng trốn biệt tăm khỏi nơi cư trú hay bị mất tích thì người còn lại có thể ly hôn hay không? Thủ tục ly hôn trong trường hợp này sẽ như thế nào, có khác gì so với thủ tục ly hôn thông thường?

Ly hôn với người đã bỏ trốn, mất tích như thế nào?

Ly hôn với người đã bỏ trốn, mất tích như thế nào? (Ảnh minh họa)

Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép một bên có quyền đơn phương ly hôn trong trường vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích. Quy định này cũng có thể được lấy làm cơ sở để đơn phương ly hôn nếu vợ hoặc chồng bỏ đi khỏi nơi cư trú lâu ngày không có thông tin.

1. Điều kiện tuyên bố một người mất tích

Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự, Tòa án tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:

- Biệt tích 02 năm liền trở lên

- Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết

- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan

Do đó, nếu vợ hoặc chồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ 2 năm liên tiếp trở lên thì người còn lại có thể thực hiện các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định trên và thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích. Từ đó, có cơ sở để ly hôn đơn phương.

Lưu ý, thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình như ly hôn thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết. Mặt khác, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu không biết nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết ly hôn.

3. Hồ sơ ly hôn với người mất tích

- Đơn xin ly hôn

- Quyết định của Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)

- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực)

- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực)

- Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ, chồng.

- Các giấy tờ về tài sản chung vợ chồng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu…

4. Tài sản giải quyết thế nào?

Căn cứ vào Điều 69 Bộ luật dân sự 2015 trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý. Nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý. Nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản. Người thân thích bên cạnh vợ, con, bố, mẹ thì có thể là anh, chị, em ruột, ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột của cá nhân này.

Hạnh Nguyên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,178

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn