Người bị tuyên bố chết trở về thì xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/02/2022 16:22 PM

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, một người có thể bị tuyên bố chết nếu thuộc các trường hợp theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Vậy khi một người bị tuyên bố chết nhưng trên thực tế vẫn còn sống thì pháp luật xử lý như thế nào?

Người bị tuyên bố chết trở về thì xử lý như thế nào?

Người bị tuyên bố chết trở về thì xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Như thế nào là người bị tuyên bố chết?

Theo quy định của Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, một người có thể bị tuyên bố chết nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015.

Việc một người bị tuyên bố chết do Tòa án có thẩm quyền ra quyết định dựa trên yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan của người bị tuyên bố chết.

Bên cạnh đó, theo Điều 393 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết;

Trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

2. Hậu quả pháp lý về việc tuyên bố một người là đã chết 

Một người bị tuyên bố là đã chết theo quyết định của Tòa án thì kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực, người bị tuyên bố đã chết hoàn toàn bị mất tư cách chủ thể trong các quan hệ dân sự theo Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Quan hệ nhân thân: quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người bị tuyên bố chết được giải quyết như đối với người đã chết.

- Quan hệ tài sản: quan hệ về tài sản của người bị Tòa án tuyên bố chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Hậu quả pháp lý khi người bị tuyên bố chết trở về

3.1 Căn cứ hủy quyết định tuyên bố chết

- Theo Điều 73 Bộ luật Dân sự 2015, khi người bị tuyên bố chết trở về thì Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định tuyên bố chết theo căn cứ người bị tuyên bố chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan.

- Theo Điều 395 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết;

Trong quyết định này, Tòa án phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

3.2 Hậu quả pháp lý khi hủy quyết định tuyên bố chết

- Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:

+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015 thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;

+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

- Quan hệ tài sản: Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình.

*Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Nhật Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,602

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn