Gỡ vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương giáo viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
26/10/2021 14:46 PM

Nhiều vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được giải đáp tại Công văn 1077/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/10/2021 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.

Gỡ vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương giáo viên

Gỡ vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương giáo viên (Ảnh minh họa)

Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có ý kiến như sau:

(1) Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

(2) Việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên mầm non (GVMN) thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, GVMN hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng III (mã số V.07.02.26); sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.02.25) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng II (mã số V.07.02.25) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (Khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2021).

Bên cạnh đó, việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật;

Đồng thời, việc xếp lương phải bảo đảm nguyên tắc: được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp đó (điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP).

(3) Quy định về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập (Điểm a khoản 3 Điều 3 và Điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT) như sau: “Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Do đó, giáo viên chưa có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học thì chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo.

(4) Việc bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở (THCS) thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.32) nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32), trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.

Điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32) là: "Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành".

Như vậy, trường hợp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12), có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và bằng Đại học các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, GDCD, QLGD (ngoài sư phạm) phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì mới đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên THCS hạng III. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT.

Đề nghị địa phương cử giáo viên tham gia bồi dưỡng bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Khi tham gia bồi dưỡng, cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng sẽ thành lập hội đồng công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập các học phần đã học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp bằng hoặc chứng chỉ, kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của học viên để xem xét miễn các học phần tương ứng trong Chương trình bồi dưỡng.

Công văn 1077/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/10/2021.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,150

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn