Các bước xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/11/2020 09:28 AM

Căn cứ quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì các bước thực hiện xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện như sau:

Các bước xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

1. Các bước xử lý kỷ luật cán bộ

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ được thực hiện theo các bước sau đây:

- Bước 1: Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền thì trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ thực hiện Tổ chức họp kiểm điểm và Thành lập Hội đồng kỷ luật. Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định thành phần họp kiểm điểm và thành phần Hội đồng kỷ luật.

- Bước 2: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

2. Các bước xử lý kỷ luật công chức, viên chức:

Việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:

- Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm;

- Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật;

- Bước 3: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Lưu ý:

- Trường hợp xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền đối với công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật thì không thực hiện Bước 1.

- Trường hợp công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện Bước 1 và Bước 2.

3. Các bước xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu

Việc xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện theo các bước sau đây:

- Bước 1: Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Bước 2: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

>>> Xem thêm: Cán bộ, công chức đang thi hành quyết định kỷ luật có được điều động, luân chuyển hay không? Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như thế nào?

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,052

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn