BLTTHS 2015: Một số điểm chưa ổn

05/07/2016 09:04 AM

BLTTHS 2015 có nhiều điểm chưa rõ, mâu thuẫn, nếu không sửa đổi, bổ sung thì sẽ rất khó thi hành...

Trong quá trình tập huấn vừa qua về BLTTHS 2015, nhiều chuyên gia, giảng viên… đã phát hiện bộ luật này cũng có nhiều điểm chưa rõ, mâu thuẫn. Nếu không được sửa đổi, bổ sung thì khi thi hành sẽ rất khó, thậm chí không thi hành được.

Người bị tạm giam có là người bị buộc tội?

Trước hết, lần đầu tiên BLTTHS có một điều luật giải thích từ ngữ (Điều 4). Tuy nhiên, nội dung của việc giải thích lại chưa bao quát hết nội hàm của khái niệm:

Thứ nhất, BLTTHS 2015 giải thích “người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm đ khoản 1 Điều 4). Vậy ngoài những người này thì người bị tạm giam, người bị tình nghi nhưng chưa bị bắt, chưa bị khởi tố có phải là người bị buộc tội hay không?

Thứ hai, BLTTHS 2015 giải thích “người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột (điểm e khoản 1 Điều 4). Vậy cha dượng, mẹ kế, anh em cọc chèo… có quan hệ thân thích với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hay không?

Riêng đối với cháu ruột thì lại phải giải thích thế nào là cháu ruột. Ví dụ: Anh A là cháu gọi ông B là chú ruột nhưng không phải là người thân thích với vợ của ông B (thím)… Trường hợp này có phải là người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hay không?

Thứ ba, BLTTHS 2015 giải thích “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án (điểm o khoản 1 Điều 4). Vậy thế nào là “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” thì lại không được giải thích trong khi việc giải thích này là rất cần thiết.

bộ luật tố tụng hình sự 2015

BLTTHS 2015 chưa quy định rõ bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm hay không. Trong ảnh: Một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa: Đ.LAM

Ai là trợ giúp viên pháp lý?

Về người bào chữa, BLTTHS 2015 bổ sung thêm “trợ giúp viên pháp lý” trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (điểm d khoản 2 Điều 72). Vậy “trợ giúp viên pháp lý” là ai, được quy định ở đâu?

Đối với “bào chữa viên nhân dân”, BLTTHS 2015 chưa quy định rõ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp nào được cử và hình thức cử ra sao. Mặt khác, luật cũng cần làm rõ nếu người đại diện của người bị buộc tội không phải là người bào chữa thì họ tham gia tố tụng với tư cách gì?

Về quyền của người bào chữa, BLTTHS 2015 quy định họ có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì mới được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can (điểm b khoản 1 Điều 73). Quy định này vẫn tạo ra “cơ chế xin cho”! Cạnh đó, luật quy định người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước một thời gian hợp lý về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng (điểm d khoản 1 Điều 73). Nhưng như thế nào là “thời gian hợp lý” thì luật không nói rõ.

Đặc biệt, BLTTHS 2015 cho phép người bào chữa được xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (các điểm đ, h, i khoản 1 Điều 73). Tuy nhiên, luật cũng quy định “những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án” (khoản 2 Điều 87). Như vậy liệu có vi phạm nguyên tắc “tôn trọng sự thật” hay không?

Thế nào là đối đáp đến cùng?

Theo quy định tại Điều 296 BLTTHS 2015 thì khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên (ĐTV), người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Vậy tòa triệu tập họ ra phiên tòa với tư cách gì, là người tham gia tố tụng hay người tiến hành tố tụng? Nếu những người này cố tình không đến thì có bị áp giải hay không?

Về chuyển vụ án cho VKS truy tố lại, BLTTHS 2015 quy định nếu VKS không đồng ý thì phải trả lời cho tòa biết. Nếu tòa không đồng ý với VKS thì giải quyết theo quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nếu VKS không đồng ý thì việc giải quyết việc tranh chấp theo Điều 275 mà điều luật này chỉ giao cho chánh án quyết định chứ không nêu trách nhiệm của VKS là phải chấp hành ý kiến của chánh án.

Về giới hạn xét xử, BLTTHS 2015 quy định: Sau khi trả hồ sơ vụ án mà VKS không đồng ý tội danh nặng hơn thì tòa có quyền xét xử tội danh nặng hơn (khoản 3 Điều 298). Vậy nếu tội danh nặng hơn đó thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp trên hoặc thuộc trường hợp phải bắt buộc có luật sư, HĐXX năm người thì giải quyết như thế nào?

Khoản 1 Điều 317 BLTTHS 2015 quy định chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý nhưng khoản 2 Điều 307 lại quy định khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên (KSV), người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Như vậy, phải chăng giữa quy định tại khoản 1 và khoản 2 đã có mâu thuẫn?

Về tranh luận tại phiên tòa, khoản 2 Điều 322 quy định KSV phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Vậy căn cứ nào để xác định là đã “đối đáp đến cùng”?

Bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm?

Về quyền kháng cáo, BLTTHS 2015 quy định bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm (khoản 1 Điều 331) chứ không quy định kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm. Vậy bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm hay không? Điều 61, Điều 62 quy định về quyền của bị cáo, bị hại cũng chỉ có quyền kháng cáo chứ không quy định kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định của tòa.

Về kháng nghị, BLTTHS 2015 vẫn quy định như BLTTHS 2003. Vậy trường hợp VKS kháng nghị quá thời hạn thì giải quyết thế nào? Tòa cấp phúc thẩm có phải mở phiên tòa không hay trả lại quyết định kháng nghị cho VKS?

BLTTHS 2015 cho phép tòa cấp phúc thẩm được hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại chứ không phải y án rồi kiến nghị cấp giám đốc thẩm nữa (Điều 357, Điều 358). Liệu việc cho phép tòa cấp phúc thẩm có thẩm quyền như cấp giám đốc thẩm liệu có vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử?

Quy định chưa công bằng?

BLTTHS 2015 không nói “người bị hại” như BLTTHS 2003 mà quy định “bị hại”. Về lý luận, có nhiều trường hợp bị hại và người bị hại là một như giết người, cố ý gây thương tích… nhưng có nhiều trường hợp bị hại chỉ là đối tượng tác động, còn chủ sở hữu mới là người bị hại. Ví dụ: hủy hoại đàn gia súc… thì bị hại là đàn gia súc, còn chủ sở hữu mới là người bị hại. Như vậy luật cũ chính xác hơn.

BLTTHS 2015 quy định bị hại có thể bị dẫn giải trong trường hợp cố ý vắng mặt, không đến làm việc theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan (điểm a khoản 4 Điều 62). Trong khi đó, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người chứng kiến… nếu cố ý vắng mặt thì luật lại không hề quy định biện pháp dẫn giải. Quy định như vậy liệu có công bằng?

Nguyên tắc hòa giải

BLTTHS 2015 không quy định nguyên tắc hòa giải trong tố tụng hình sự nhưng BLHS 2015 lại quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Vậy có nên quy định nguyên tắc hòa giải trong BLTTHS hay không? Nhiều ý kiến cho rằng BLTTHS 2015 nên quy định nguyên tắc này trong hình sự, nhất là đối với những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Đinh Văn Quế

Theo Báo pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,680

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn