Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: “Cưỡi lưng hổ”, không thể không làm

28/01/2015 08:25 AM

Đại diện nhiều bộ, ngành đều cho rằng việc triển khai xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là không thể không làm vì tính cần thiết.

Chiều 27/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan (Đề án 896) - đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896 - cho biết, năm 2014 các cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân tiếp tục được hoàn thiện. Việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai Đề án 896.

Tuy nhiên, ông Tụng cho biết việc phê duyệt dự án khả thi về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì đến nay chưa được triển khai do chưa tìm được nguồn vốn bảo đảm cho việc xây dựng.

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư?

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết Bộ Công an đã chuẩn bị xong hết các đề án và chỉ chờ nguồn kinh phí “rót” về để thực hiện đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Theo ông Vệ số tiền ước tính để thực hiện đề án này vào khoảng 3.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra băn khoăn với đề án do Bộ Công an xây dựng và đánh giá “chưa có gì mới, rất cũ”. Theo vị này, không nên xây dựng đề án với quy định sẽ trang bị cho 11.000 xã trên cả nước là 11.000 chiếc máy, tương ứng sau đó là số huyện, số tỉnh và một máy chủ trung tâm bởi công nghệ thông tin hiện đã rất hiện đại rồi. Vị này đề nghị cân nhắc lại tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Chúng tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó ít nhất là 3 doanh nghiệp lớn sẵn sàng, đều đặt vấn đề về việc này”- vị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Trong khi đó, ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng số tiền 3.400 tỷ đồng mà Bộ Công an đưa ra để thực hiện đề án trong vòng 5 năm, chia ra mỗi năm hết khoảng 700 tỷ đồng cũng không quá lớn. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay cần thiết phải tìm nguồn vốn, thậm chí có thể tiếp cận thêm vốn ODA để thực hiện.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khẳng định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò cực kỳ quan trọng, không thể không làm và càng không làm thì lãng phí xã hội sẽ càng lớn.

“Bảo hiểm xã hội đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số rồi, 30% dân số còn lại nếu không quản lý nữa thì dữ liệu cứ lặp đi lặp lại suốt ở các đơn vị. Mỗi năm có 1 triệu trẻ em sinh ra, ví dụ thế thôi, cơ quan bảo hiểm mất 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có mã số định danh cá nhân thì tôi lấy cái số đó để cấp luôn. Bảo hiểm xã hội đang quản lý thông tin lớn như vậy, kinh phí quản lý xã hội cực kỳ lớn, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư càng nhanh càng tốt. Tôi đồng tình ủng hộ việc thuê công nghệ thông tin. Nếu triển khai được thì chúng tôi làm ngay lập tức. Hiện nay nhập dữ liệu vào mất 10.000 đồng/tờ khai, 30 triệu người phải cấp thì mất thêm chi phí xã hội khoảng 300 tỷ đồng nữa, lãng phí xã hội cực lớn. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai quyết liệt việc này”- ông Sinh phân tích.

Giải thích rõ hơn, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định đề án của Bộ Công an đã được một đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông thiết kế, thẩm định. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã nghe báo cáo nhiều lần.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ.

“Cái này chúng tôi tham khảo của nước ngoài, làm rất kỹ, nhiều lần tổ chức dự thảo, hội thảo. Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung, nhưng mà phải cập nhật thường xuyên, bởi có người dân hôm nay sống ở Thái Bình mai lại lên Hà Nội. Chính vì thế Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện, bởi công an đang có kho hồ sơ quản lý hơn 80 triệu nhân khẩu trên cả nước và vẫn đang làm việc này. Chúng tôi làm theo chỉ đạo của Thủ tướng, chính Văn phòng Chính phủ cũng nghiên cứu toàn bộ dự án này”- ông Vệ giải thích.

Trước ý kiến băn khoăn về việc tại sao không mời các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam về công nghệ thông tin tham gia đầu tư vào đề án này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ nói: “Chúng tôi mời nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin vào nhưng các anh ấy nói không có kinh phí, không thu hồi được nên không làm. Vì đây là công ích, không thu được gì cả nên các anh ấy đều bỏ cả. Thu phí, lệ phí thì phải Quốc hội quyết định. Luật Căn cước công dân vừa rồi được Quốc hội thông qua quy định không cho thu phí cấp căn cước công dân, chính vì thế mới có các anh ở Ủy ban Quốc phòng- An ninh nói vui là Việt Nam nghèo nhưng sang, các nước đều thu phí cả nhưng Việt Nam không thu. Như thế mỗi năm Việt Nam sẽ phải bỏ mấy trăm tỉ đồng để cấp căn cước công dân. Tôi biết ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội nghị có nhiều doanh nghiệp tới, nhưng chúng tôi tổ chức mời thì chả anh nào (ý nói doanh nghiệp công nghệ thông tin - PV) vào cả, các anh nghiên cứu chán rồi ra về”.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt lại vấn đề: “Tại sao doanh nghiệp đến lại đi? Nếu nói không có chỗ nào để thu thì họ đi là đúng rồi. Tất cả các đơn vị sử dụng thông tin đó chỉ cần một cái nhấp chuột là có khi phải trả 1.000 đồng rồi và có biết bao nhiêu đơn vị sử dụng như thế. Nói thế chứ không phải chúng ta thu tiền của công dân. Tôi đề nghị chúng ta có buổi làm việc để có thể trao đổi trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và tôi tin chắc doanh nghiệp họ sẽ tới”.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định Bộ Công an sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành và mời các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam tham dự.

Đã cưỡi lên lưng hổ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc thực hiện thành công Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân sẽ quyết định thành công của Đề án 896.

“Điều đó đặt ra cho chúng ta một cơ hội rất lớn, mà các đồng chí nói là sự cần thiết, cấp bách, tầm quan trọng ở cấp độ cao. Riêng luật Hộ tịch đã có kế hoạch triển khai thực hiện, đã trao đổi với Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông ký ban hành rồi, rất toàn diện. Luật Căn cước công dân thì Bộ Công an báo cáo Chính phủ về thực hiện. Ngày 21/1 vừa rồi Thủ tướng cũng đã ký quyết định phân công các đơn vị thực hiện, trong đó Thủ tướng cũng đã xác định thời gian để Bộ Công an trình nghị định rồi. Dự kiến tháng 10/2015 sẽ phải trình nghị định cho Chính phủ, nếu làm càng sớm được càng tốt, nếu không tới 1/1/2016 chưa có nghị định này thì rất khó cho việc triển khai Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch”- ông Cường nghi ngại.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho đồng tình với quan điểm của Thượng tướng Bùi Văn Nam, đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp để chậm nhất là tháng 3/2015 phải trình dự án tiền khả thi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới kịp triển khai thực hiện.

Tuy nhiên ông Cường cho biết hiện nay phát sinh tình huống cần phải xin ý kiến. Đó là cơ sở dữ liệu thống kê về dân số mới được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, đang trong giai đoạn “bắt tay vào xây dựng” nên phải xem chồng lấn hay không chồng lấn, lãng phí hay không. “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã cưỡi lên hổ rồi nên chúng ta không thể dừng lại hay không dừng lại được nữa. Còn vấn đề kia thì tính toán tiếp sau”- ông Cường đề xuất.

Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết việc xuất hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia tổng hợp về dân số xuất phát từ quá trình bàn về dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Chúng tôi đề xuất Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sớm trình bày cái này, xem giải quyết việc chồng lấn mà Ban chỉ đạo nêu ra thế nào. Giải quyết cái này không phải hình thức mà chủ yếu liên quan đến tiền, lớn đấy. Cuộc họp sắp tới do Bộ Công an thực hiện thì nên bàn luôn chuyện đó, để tránh những chuyện chồng lấn lên nhau. Con đường nào thực hiện dự án, cách thức nào cần phải bàn để làm rõ”- ông Thụ đề nghị.

Cấp số định danh không được để xảy ra bất cập

“Gút” lại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an mời các bộ, ngành liên quan tham gia thảo luận để làm rõ các vấn đề còn khúc mắc, liên quan đến việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin, tính khả thi của dự án, giá thành, nguồn vốn, cơ sở dữ liệu dùng chung; tổ chức thu thập thông tin như thế nào, thời gian thực hiện triển khai ra sao.

“Phải làm sao tháo gỡ được nguồn vốn, không thể để vì nguồn vốn mà dừng lại”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tập trung rà soát các thủ tục trong năm 2015, để đầu năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ một đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính. “Phải rà soát xem cắt bỏ cái gì, bởi cái này là mong mỏi của người dân. Các thủ tục còn rất rườm rà, chúng ta không thể yên tâm được”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc thu thập thông tin của người dân để xây dựng cơ sở dữ liệu phải trên tinh thần “hạn chế làm phiền người dân và không thể bắt người dân khai đi khai lại mãi thông tin”.

“Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, phối hợp, để việc cấp số định danh cá nhân sau này không để xảy ra bất cập, bởi dân số của chúng ta đã gần 100 triệu rồi”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thế Kha

Theo Dantri

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,319

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn