Sẽ thay đổi cách tính BHXH theo đúng mức lương thực tế

27/01/2015 10:04 AM

Căn cứ lương để đóng BHXH hiện chỉ phản ánh một phần thu nhập của người lao động. Điều này gây thiệt thòi tới mức lương hưu sau này cũng như giảm nguồn thu của BHXH. Vậy tại sao không áp dụng đầy đủ các yếu tố của tiền lương để tính BHXH?

Mức tính BHXH liên quan nhiều tới việc hưởng lương hưu của người lao động

Liên quan tới câu hỏi của PV Dân trí, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH - đã trả lời vấn đề trên tại buổi Tọa đàm các điểm mới về Luật BHXH, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 26/1 tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, quy định của điều 90 trong Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, tiền lương sẽ gồm 3 bộ phận cấu thành là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Nếu đúng theo tinh thần đó, từ ngày 1/5/2013, việc đóng BHXH phải thực hiện theo các căn cứ tiền lương trong điều 90 của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012.

“Tuy nhiên nếu áp dụng trong giai đoạn hiện nay sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Ở đây, phải hiểu là đóng cho toàn bộ phần thu nhập thực tế của người lao động. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp khó khăn thì ảnh hưởng tới vấn đề việc làm” - bà Trần Thị Thúy Nga nói.

Bà Trần Thị Thúy Nga (Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH)

Vì vậy, bà Nga giải thích: “Nguyên tắc tính BHXH theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014 sẽ được đi theo lộ trình như sau: Từ nay tới năm 2016 sẽ tính như quy định hiện hành. Từ năm 2016 đến hết năm 2017, việc tính BHXH sẽ căn cứ theo tiền lương và phụ cấp. Từ năm 2018, khi tiền lương được tính đúng, tính đủ thì việc tính BHXH sẽ hoàn toàn tuân theo quy định điều 90 của Bộ Luật Lao Động năm 2012”.

Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết thêm, khi tới giai đoạn 2018, vấn đề này sẽ cần tới sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực tiền lương trong việc xác định đầy đủ tiền lương, các loại phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Về việc tính toán yếu tố “các khoản bổ sung” trong điều 90 của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, bà Trần Thị Thúy Nga giải thích: “Khoản bổ sung khác không được chia đều theo từng tháng mà có khi tới tận cuối năm, doanh nghiệp mới tính toán lỗ lãi. Lúc này, người lao động mới được nhận. Trong khi đó, việc thu BHXH được thực hiện xong theo từng tháng”.

Như vậy, thời điểm năm 2018 sẽ là lúc cần tính toán cụ thể các căn cứ của mức lương để đóng BHXH. Còn hiện nay, việc đóng BHXH vẫn chủ yếu căn cứ theo thang bảng lương của doanh nghiệp báo cáo. Theo nhiều chuyên gia, mức lương trong thang bảng lương hiện chỉ phản ánh được một phần thu nhập thực tế của người lao động.

Chính bởi vậy, việc tăng lương tối thiểu được xác định là yếu tố rất quan trọng. Được biết, lộ trình xây dựng tiền lương tối thiểu tương xứng với mức sống tối thiểu được xác định là năm 2017. Theo thông lệ, vào Quý 2/2015,Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp xác định mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016.

* Điều 90 Bộ Luật Lao Động sửa đổi năm 2012 quy định về tiền lương: Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

* Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả khảo sát tiền lương trên hơn 13.000 doanh nghiệp cho thấy: Tiền lương bình quân đạt 5,11 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Hoàng Mạnh

Theo Dantri

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,158

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn