Tái giá bao nhiêu lần cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng

29/07/2014 09:13 AM

Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã khẳng định như vậy trong ngày hôm qua, 28-7 tại TP.HCM.

Ngày 28-7, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (TP.HCM). 

Một trong những vấn đề được đoàn giám sát quan tâm, tranh luận là chuyện vợ liệt sĩ tái giá có được xét danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng hay không.

Giải quyết dựa trên... suy đoán

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Trần Thị Kim Giàu, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.Tân Bình, cho biết trên địa bàn quận cũng có trường hợp bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ nhưng đã tái giá. “Vậy tại sao phòng không lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng?” - bà Trương Thị Mai hỏi.

Bà Giàu trả lời: “Về trường hợp này, quận có hỏi ý kiến Sở Lao động - thương binh và xã hội xem có được không thì bộ phận nghiệp vụ của sở trả lời rằng mẹ đã tái giá, chồng mẹ đâu phải là liệt sĩ nữa. Sở dĩ mẹ được nhận trợ cấp tiền tuất hằng tháng vì mẹ có công phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ và công nuôi dưỡng con liệt sĩ trưởng thành”.

Bà Giàu cũng cho biết phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - thương binh và xã hội không nói rõ căn cứ vào văn bản cụ thể nào để trả lời là không được và sau đó quận cũng không gửi hồ sơ trường hợp mẹ tái giá lên sở.

"Ở Việt Nam này, thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi"

Bà Trương Thị Mai

Tại huyện Bình Chánh, bà Dương Thị Uyên Chi, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Bình Chánh, cho biết hiện nay huyện có 12 trường hợp vợ liệt sĩ tái giá chưa được lập hồ sơ để truy tặng, phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trả lời câu hỏi của bà Trương Thị Mai về căn cứ, quy định nào để đưa ra cách giải quyết “không lập hồ sơ”, bà Chi lúng túng cho rằng do chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này.

Bà Chi cũng thừa nhận gia đình các mẹ cũng rất bức xúc khi huyện giải thích lý do không lập hồ sơ vì các mẹ đã... tái giá. Trong số 12 trường hợp này, huyện gửi hai hồ sơ lên TP nhưng không được giải quyết.

Giải thích thêm, ông Trần Thanh Hoàng, trưởng phòng chính sách có công Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nói: “Nghị định 56 ghi rất rõ: người chồng là liệt sĩ là người được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ đó là vợ của người đó. Vấn đề ở đây là bà mẹ có chồng là liệt sĩ, nhưng bà đã tái giá thì có còn được xem là vợ liệt sĩ hay không?”.

Bà Trương Thị Mai đặt vấn đề: “Như vậy các anh giải quyết hoàn toàn dựa trên suy đoán, vì vẫn chưa có một văn bản nào nói rằng bà mẹ tái giá không được làm bà mẹ anh hùng phải không”.

Ông Hoàng đáp: “Chính vì vậy nên chúng tôi cũng không trả lời dứt khoát là không được, mà đang trong quá trình xin ý kiến. Trong văn bản trả lời các mẹ, sở cũng nói rõ là khi có ý kiến của các bộ thì sở sẽ tiếp tục giải quyết”.

Có phụ nữ nào muốn chồng mình thành liệt sĩ?

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Kiên, phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết về vấn đề vợ liệt sĩ tái giá có một con là liệt sĩ, ngay từ khi sửa đổi pháp lệnh về bà mẹ Việt Nam anh hùng thì Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ các trường hợp vợ liệt sĩ tái giá có một con là liệt sĩ thì có được là bà mẹ Việt Nam anh hùng không.

Tuy nhiên sau khi nghị định 56 được ban hành, cũng không thấy hướng dẫn gì vấn đề này. Đến tháng 4-2014, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có công văn nhắc lại yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn ngay nhưng chưa có kết quả.

Bà Trương Thị Mai phân tích: “Trong văn bản ghi như thế này: “Người chồng là liệt sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ là vợ của người đó”.

Nghị định 56 cũng không có nói bà mẹ tái giá thì không được xét công nhận. Bây giờ các ông tự đi giải thích rằng vợ phải là vợ suốt đời. Giải thích thế này nói thật tôi cũng không hiểu được!”.

“Ở Việt Nam này, thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi” - bà Mai trăn trở.

Từ cách đặt vấn đề như vậy, bà Mai kết luận: “Tôi tha thiết mong Bộ Quốc phòng và tất cả các anh chị làm chính sách hiểu cho một điều: quan hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng là quan hệ mẹ - con; quan hệ vợ liệt sĩ là quan hệ vợ chồng. Hai quan hệ hoàn toàn khác nhau. Mình không được xử sự một cách thiếu uyển chuyển. Tôi rất mong các cơ quan làm chính sách hết sức linh hoạt, hết sức nhân văn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Mà cái này phải nhanh lên, phải cố gắng hết mức. Tôi đi dự lễ trao tặng danh hiệu, có mẹ khi mình làm quyết định thì là phong tặng, đến khi trao mẹ đã mất rồi, không chờ kịp”.

Bà Mai cho biết Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề còn vướng mắc trong việc công nhận bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá. Bà đề nghị các địa phương giải quyết ngay lập tức công nhận những trường hợp mẹ có hai con liệt sĩ là mẹ Việt Nam anh hùng, vì có một số nơi không công nhận do mẹ... tái giá. “Bà mẹ có tái giá bao nhiêu lần mà có hai con là liệt sĩ thì phải giải quyết ngay, không chần chờ gì nữa” - bà Mai nói.

Mai Hương - Vũ Thủy

Theo Tuổi Trẻ

* Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:

Sẽ có hướng dẫn thực hiện

Ngày 28-7, trả lời Tuổi Trẻ về trường hợp cụ Trần Thị M. (83 tuổi, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng do cụ tái giá (Tuổi Trẻ ngày 19-7), bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sáng cùng ngày bà đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và hai bộ trưởng đã thống nhất giao cho các đơn vị chuyên môn xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp còn vướng mắc trong quá trình xét phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có trường hợp bà mẹ có một con và chồng là liệt sĩ như cụ Trần Thị M..

Bà Chuyền khẳng định trong thời gian sớm nhất sẽ có thông tư hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc đối với những trường hợp cụ thể mà pháp lệnh và nghị định không đề cập.

K.HƯNG

* Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:

Công tác tham mưu cứng nhắc

Đối với trường hợp của cụ M. mà báo chí nêu có một con và chồng là liệt sĩ nhưng đã tái giá nên chưa được nhận danh hiệu này vì chưa có hướng dẫn, tôi thấy rằng việc xét duyệt hồ sơ để phong tặng danh hiệu này là cả một quá trình và lẽ ra những người tham mưu cho bộ trưởng cần báo cáo kịp thời trường hợp này để Chính phủ có quyết định ngay. Đằng này, công tác tham mưu đã quá cứng nhắc và không đề xuất kịp thời nên để sót một trường hợp rất đáng tiếc mà nếu phong tặng danh hiệu cho cụ vào dịp 27-7 này thì có ý nghĩa hơn.

Việc tái giá là quyền của cụ M. và tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích. Những người vợ, người mẹ như vậy đã hi sinh quá nhiều rồi và nếu họ có một người chồng để yêu thương, chia sẻ vào quãng đời còn lại thì càng tốt chứ sao. Bà cụ có làm gì sai đâu mà không được nhận danh hiệu cao quý ấy.

L.Kghi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,506

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn