Bắt buộc đứng tên cả vợ, chồng trong “sổ đỏ”

23/04/2014 13:58 PM

Chính quyền địa phương nên coi việc đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là tài sản chung của vợ và chồng từ 1 tên thành 2 tên với các trường hợp trước năm 2004 là trách nhiệm của mình chứ không nên chờ đến khi phụ nữ có yêu cầu.

Theo quy định hiện tại, việc đổi GCNQSDĐ là tài sản chung của vợ và chồng từ 1 tên thành 2 tên chỉ mất khoảng 150.000 đồng nên khuyến nghị của Liên minh đất đai là việc đưa tên mình vào sở hữu tài sản chung của hai vợ chồng là biện pháp hữu hiệu bảo vệ phụ nữ khi có những trường hợp bất khả kháng xảy ra.

Đó là kiến nghị của của bà Trần Thị Minh Châu, Nhóm nghiên cứu quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ - Liên minh đất đai (LANDA) tại Hội thảo giới thiệu tiến trình góp ý hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013, do LANDA phối hợp cùng VCCI tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội.


Luật Đất đai 2003 đã có Nghị định hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật, trong đó có điều khoản hướng dẫn chi tiết về Quyền có tên của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ, theo cách gọi khác là "sổ đỏ"). Để đảm bảo tính liên tục, nhất quán và sự kế thừa, phát huy các chính sách, Luật Đất đai năm 2013 cũng có điều khoản quy định về quyền này (cụ thể Khoản 4, Điều 98 liên quan đến GCNQSDĐ của vợ và chồng).

Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát Quyền tiếp cận đất của phụ nữ do nhóm An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) và tổ chức Actinoaid Việt Nam thực hiện năm 2008 cho thấy, 5 năm sau ngày Luật Đất đai 2003 ra đời, tại 3 tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Vĩnh Long vẫn còn 90% GCNQSDĐ mang tên một người - phần lớn mang tên người chồng.

Trong khi đó, nhiều phụ nữ vẫn chưa hiểu hết quyền lợi của mình khi có tên trong GCNQSDĐ. Bà Trần Thị Minh Châu cho biết: “Từ năm 2008 chúng tôi hỏi người dân về việc đứng tên cả vợ và chồng trong GCQSDĐ thấy người dân nói rằng có thấy cán bộ nói gì đâu, nhiều phụ nữ còn không hiểu ý nghĩa của việc đứng tên vợ chồng như thế nào, trong khi đó những người đàn ông lại cho mình là chủ gia đình và cho rằng mình đứng tên đất đai là được”.

Theo đánh giá của bà Minh Châu, việc phụ nữ không có tên trong GCNQSDĐ đã góp phần làm giảm vai trò, vị thế của phụ nữ trong sử dụng đất đai vào mục đích phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững. Trên thực tế, người chồng đứng tên một mình trong "sổ đỏ" đồng nghĩa với việc người chồng được quyền quyết định với tài sản đất đai. Khi người chồng muốn chuyển quyền sử dụng đất, người vợ không có quyền tham gia hoặc tham gia cũng chỉ lấy lệ. Khi vợ chồng ly hôn, người vợ thường gặp nhiều rắc rối trong phân chia tài sản, hoặc khi người chồng chẳng may qua đời hoặc làm ăn kinh doanh thất thoát thì người vợ đều gặp thiệt thòi. Chính vì tình trạng còn tồn tại một người đứng tên sổ đỏ đã dẫn đến tình trạng "nhiều gia đình khi người chồng mất, cả gia đình nhà chồng đòi lại tài sản đang thuộc người chồng đã mất đứng tên"- bà Minh Châu dẫn chứng.

Để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, để người dân hiểu hết quyền lợi khi đứng tên cả vợ, chồng trong GCNQSDĐ, các thành viên Liên minh đất đai đã thống nhất đưa ra những kiến nghị như: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 cần có hướng dẫn chi tiết cho việc đổi GCNQSDĐ là tài sản chung của vợ và chồng từ 1 tên thành 2 tên với các trường hợp trước năm 2004 như là một việc đương nhiên, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương mà không nên chờ đến khi phụ nữ có yêu cầu.

Cần quy định nhằm hỗ trợ tài chính (không thu tiền) cấp đổi sổ từ 1 tên thành 2 tên theo luật định cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Nghị định cần quy định rõ việc cán bộ địa chính xã, phòng Tài nguyên - Môi trường huyện phải hướng dẫn cụ thể cho người dân về đảm bảo thực hiện quyền có tên trong GCNQSDĐ của vợ và chồng khi họ đến đăng ký cấp mới và cấp đổi GCNQSDĐ.

Để tạo thuận lợi cho người dân đổi GCNQSDĐ 1 tên thành 2 tên, nên rút ngắn thời gian chờ đợi từ 10 ngày xuống 5 ngày (với các trường hợp cấp đổi đủ điều kiện pháp lý không mất nhiều thời gian thẩm định).

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Nghị định của Chính phủ cần khẳng định là được miễn phí cho việc cấp đổi giấy chứng nhận từ các trường hợp chỉ ghi 1 tên chồng hoặc vợ thành giấy chứng nhận ghi cả 2 tên”.

Vũ Anh

Theo VnMedia

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 51,234

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn