BHXH Việt Nam hướng dẫn trái luật để buộc người bệnh… đóng tiền?

23/09/2013 11:09 AM

Hàng loạt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các tỉnh thành phía Nam đang rất bức xúc trước việc bỗng nhiên bị đóng oan đến 20% chi phí khi đi khám chữa bệnh.

Theo quy định pháp luật đáng ra người bệnh không phải chịu khoản tiền này. Thế nhưng bằng một văn bản, lãnh đạo BHXH Việt Nam lại buộc người bệnh phải đóng khiến họ vốn đã khổ nay càng khổ hơn!


Khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện

Đã nghèo còn phải đóng thêm tiền bảo hiểm!

Gặp chúng tôi tại một bệnh viện lớn ở tỉnh Bình Dương, bà Hoàng Thị M, quê Cà Mau kể khổ, cách đây gần một tháng con gái bà là chị H (đang làm công nhân trong KCN Sóng Thần) bị bệnh tim nên được các đồng nghiệp đưa vào bệnh viện tư nhân MP gần đó điều trị. Đến nay khi bệnh tình của chị M đã tạm ổn, cầm tờ giấy tính tiền chi phí các khoản do bệnh viện cung cấp với hơn 35 triệu đồng, bà M tá hỏa! Cũng may chị H làm công nhân nên có thẻ BHYT và đã được quỹ này trừ bớt đi một phần chi phí.

Trong lúc bà M đang chạy vạy để mượn tiền trả thì được một người quen làm trong ngành BHXH cho biết, với trường hợp như con gái bà điều trị trái tuyến tại bệnh viện cấp III đáng ra chỉ phải trả 30%, thế nhưng ở đây chị H phải trả đến 50% số tiền?

Bà M hốt hoảng quay lại hỏi bệnh viện được một lãnh đạo đứng ra giải thích: “Bản thân bệnh viện cũng chỉ làm theo hướng dẫn của cơ quan BHXH, chúng tôi biết việc này là không đúng nhưng họ (cơ quan BHXH) buộc chúng tôi phải thu của người bệnh trái tuyến, vượt tuyến đến 50% và bệnh viện phải thực hiện dù biết rõ là quyền lợi người bệnh thiệt thòi”? Dù còn rất băn khoăn nhưng trước “ma trận” văn bản, quy định pháp luật bà M chỉ còn biết về nhà xoay sở tiền để trả cho bệnh viện.

Tương tự một trường hợp khác là ông Nguyễn Minh T, ngụ tại Bình Dương đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện Bến Cát nhưng điều trị trái tuyến tại bệnh viện HT. Gặp chúng tôi ông T bức xúc cho rằng, bệnh viện HT thuộc cấp III, theo đúng luật người bệnh có thẻ BHYT điều trị trái tuyến ở đây được trừ 70% chi phí. Vậy mà không hiểu sao bệnh nhân đều bị “đè cổ” ra thu tới 50%, đã nghèo tưởng có thẻ BHYT đỡ được phần nào chẳng ngờ lại bị thu thêm? Trước tình trạng này, chúng tội đã xác minh tại một số bệnh viện tư nhân có tiêu chuẩn cấp III tại Đồng Nai và các tỉnh thành khác ở miền Trung thì thấy những bệnh nhân có thẻ BHYT cũng đều bị thu “oan” mất 20% số tiền.

Chỉ thị khó hiểu

Mặc dù Luật BHYT không quy định chi tiết, nhưng tại khoản 3, điều 22 của Luật đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ về “quy định mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật…”. Chính vì thế sau đó Nghị định 62/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đã nói rất rõ về việc này. Cụ thể tại các điểm a,b,c, khoản 3, điều 7 của Nghị định xác định (trích): Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán 70% chi phí đối với bệnh viện hạng III. 50% chi phí đối với bệnh viện hạng II. Và 30% chi phí đối với trường hợp bệnh viện hạng I. Đây là một quy định hết sức hợp lý, nhân văn của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh có thẻ BHYT được tự quyết theo ý chí của mình trong việc xác định nơi điều trị.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì vào ngày 18/1/2012 phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam là ông Nguyễn Minh Thảo đã ký ban hành một văn bản (không tên), số 245/BHXH-CSYT có nội dung trái với quy định của Chính phủ gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu “Áp dụng trần thanh toán tuyến 2 đối với các bệnh viện ngoài công lập”. Điều này có nghĩa nếu người bệnh có nhu cầu khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến tại các bệnh viện tư nhân sẽ phải đóng thêm 20% số tiền? Và rõ ràng điều này đã đi ngược với chủ trương của Chính phủ.

Chưa hết, có vẻ như không thấy bị ai “sờ gáy”, mới đây ngày 26/6/2013 ông Thảo tiếp tục ký ban hành văn bản (không tên) số 2380/BHXH-CSYT yêu cầu “BHXH các tỉnh tiếp tục thực hiện chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến đối với người bệnh BHYT theo công văn số 541/BHXH-CSYT”?

Trước sự vô lý này, giám đốc một bệnh viện tư nhân cấp III tại Đồng Nai bức xúc nói, đây rõ ràng là cách quản lý hết sức “vô duyên”, nó vừa trái luật pháp vì thực hiện không đúng quy định của Chính phủ lại chẳng có chút tình người nào khi buộc người bệnh vốn đã khó khăn phải đóng thêm tiền. Câu hỏi đặt ra ở đây là, BHXH Việt Nam đã dùng số tiền thu thêm đến 20% của người bệnh vào việc gì?

Thông tin chúng tôi vừa nhận được, một số bệnh nhân đã xúc tiến việc khởi kiện các bệnh viện ra tòa vì buộc họ trả thêm 20% số tiền trái quy định tại Nghị định 62/2009/NĐ-CP. Còn lãnh đạo một bệnh viện thì chua chát, nếu bị người bệnh kiện chúng tôi sẽ phải kiện ngược lên cơ quan BHXH bởi tại họ mà chúng tôi… bị kiện! Chỉ có BHXH các tỉnh là chẳng thể nào kiện được chỉ thị của “sếp” mình.

Vì thế, có lẽ các cơ quan thực hiện cũng đang đau đầu vì chẳng biết nên áp dụng văn bản trái quy định do ông Nguyễn Minh Thảo - phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành hay thực hiện các quy định nhân văn, có lợi cho người bệnh theo tinh thần Nghị định 62/2009 của Chính phủ?

Thanh Sơn

Theo Pháp luật VN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,467

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn