Chính phủ báo cáo tình hình nợ: 3 năm, vay 690 nghìn tỷ

03/06/2013 14:33 PM

Đúng như Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã “hứa”, báo cáo chi tiết hơn về việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công đã được gửi đến Quốc hội.

Tại đây, con số nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tính đến 31/12/2012 tương ứng bằng 55,4%, 43,1% và 42% được Chính phủ khẳng định vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Vẫn trong giới hạn

Về cơ cấu, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 21% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,0% so với tổng số dư nợ công.

Cơ cấu này được cho là phù hợp với định hướng chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Báo cáo cũng cho biết, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28% trong cơ cấu nợ. Nhật vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới (WB) chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chiếm 8%, các chủ nợ khác chiếm 34%.

Cơ cấu các khoản nợ công của Việt Nam chủ yếu vẫn được huy động từ các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ.

Vẫn theo báo cáo, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có thời gian dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA), trong đó có các khoản vay từ WB có thời hạn 25 năm trong đó 5 năm ân hạn, lãi suất 1,25% và phí quản lý là 0,75%. Các khoản vay từ ADB có thời hạn 30 năm trong đó có 7 năm ân hạn, lãi suất 1 - 1,5%. Còn các khoản vay từ Nhật Bản có thời hạn 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 1 - 2%.

3 năm, vay 690 nghìn tỷ

Với tình hình vay và trả nợ từ sau khi ban hành Luật Quản lý nợ công (có hiệu lực từ 1/1/2010), báo cáo cho biết trong ba năm, Chính phủ đã huy động vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng.

Cụ thể, phát hành trái hành trái phiếu Chính phủ trong nước 288.739 tỷ đồng. Vay nước ngoài của Chính phủ 256.918 tỷ đồng. Huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước là 165.253 tỷ đồng.

53,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ được bù đắp cho bội chi ngân sách nhà nước. 21,8% sử dụng đầu tư cho các công trình dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế. Cho vay lại, hỗ trợ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 24,4%.

Chính phủ cũng khẳng định, chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước luôn nằm trong giới hạn an toàn, dưới 25% tổng thu.

Với bảo lãnh vay nước ngoài, Chính phủ cho hay có 99 dự án thuộc diện này với  tổng giá trị cam kết 12.698 triệu USD, chủ yếu tập trung vào ngành điện, hàng không, xi măng, dầu khí, giấy…

Tổng dư nợ cho vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh ở mức 7.107 triệu USD, tính đến 31/12/2012.

Tổng dư nợ của ngân sách địa phương, theo báo cáo là 6.766 tỷ đồng (năm 2010), năm 2011 là 10.699 tỷ đồng còn năm 2012 là 23.935 tỷ đồng.

Nguyễn Lê

Theo VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,719

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn