Công chứng khác với chứng thực

21/01/2013 09:36 AM

(Chinhphu.vn) – Tại sao cùng một loại giao dịch là mua bán nhà ở, có nơi ra văn phòng công chứng, có nơi đến UBND xã, với mức phí rất khác nhau? Câu hỏi này đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải đáp trong chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" tối 20/1.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Dù Luật Công chứng năm 2006 đã tách hoạt động công chứng ra khỏi hoạt động chứng thực, song vẫn có người nhầm lẫn giữa hai hoạt động này.Đây là lý do khiến chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” thời gian qua nhận được cùng một câu hỏi nêu trên từ khá nhiều độc giả.

Pháp luật hiện hành quy định công chứng, chứng thực là hai hoạt động khác nhau và có thể phân biệt ở nhiều điểm, nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh hai điểm chính. Thứ nhất, về thẩm quyền, công chứng do cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện, chứng thực do cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là UBND cấp xã, huyện thực hiện.

Thứ hai, chứng thực là chứng nhận sự việc, không đề cập đến nội dung, trong khi công chứng bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó và qua việc bảo đảm tính hợp pháp để giảm thiểu rủi ro. Hoạt động công chứng mang tính pháp lý cao hơn. 

Do hai hoạt động khác nhau nên chi phí khác nhau. Bộ trưởng lưu ý một chi tiết mà nhiều người không biết rõ: Pháp luật gọi là phí công chứng chứ không gọi lệ phí công chứng, gọi lệ phí chứng thực chứ không gọi phí chứng thực.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm, các nước theo truyền thống luật thành văn như Việt Nam đều phân biệt rất rõ công chứng và chứng thực. Các hợp đồng giao dịch liên quan hoặc có khả năng liên quan đến quyền sở hữu (tại Việt Nam, kể cả chuyển quyền sử dụng đất) đều bắt buộc phải công chứng. Tại Việt Nam, năm 1945, các hợp đồng giao dịch như vậy đều phải thị thực. Năm 1972, bằng một sắc lệnh của Chính phủ, việc mua bán, cho tặng nhà cửa, ruộng đất bắt buộc phải trước bạ, nói cách khác là công chứng. 

Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Công chứng, tách hoạt động công chứng ra khỏi hoạt động chứng thực, hoạt động chứng được quy định tại các Nghị định của Chính phủ. Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật Chứng thực.

Chi phí cho sự an toàn

Các giao dịch có liên quan đến hoặc có khả năng liên quan đến chuyển quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất vẫn yêu cầu công chứng.

Có độc giả đặt vấn đề trong bối cảnh kinh tế khó khăn, liệu việc buộc phải công chứng các giao dịch bất động sản có làm tăng thêm khó khăn cho người dân hay các doanh nghiệp bất động sản. Thêm vào đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 52 đề ra phương án cho phép tổ chức, cá nhân được lựa chọn công chứng hoặc chứng thực phù hợp với nhu cầu.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đúng là Nghị quyết 52/NQ-CP năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp có đưa ra chủ trương đơn giản hóa về thủ tục như trên, nhưng triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc.

Vì vậy, Chính phủ đã giao các Bộ nghiên cứu và trên cơ sở đề xuất của các Bộ, đầu năm 2012, Chính phủ đã quyết định tiếp tục lộ trình đơn giản hóa các thủ tục về hợp đồng, giao dịch không liên quan đến chuyển quyền sở hữu nhà cửa, quyền sử dụng đất. Các giao dịch có liên quan đến hoặc có khả năng liên quan đến chuyển quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất vẫn yêu cầu công chứng.

“Dĩ nhiên, công chứng làm tăng chi phí cho xã hội, cho sản xuất kinh doanh, nhưng đổi lại là sự an toàn. Nếu không an toàn mà dẫn đến tranh chấp, rủi ro thì chi phí còn lớn hơn rất nhiều”, Bộ trưởng nói.

Tiến tới "phủ" dịch vụ công chứng trên toàn quốc

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 2/9/2012, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020.

Ngày 29/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch này. Theo đó, đến 2015, chúng ta sẽ có khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng, so với con số 625 tổ chức hiện tại. Đến 2020, sẽ phát triển thêm khoảng 700 tổ chức nữa, toàn quốc sẽ có khoảng 1.700 tổ chức.

Một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là các tổ chức hành nghề công chứng sẽ không “mặn mà” với việc mở văn phòng công chứng tại các vùng khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã dự liệu đến vấn đề này. Nguyên tắc chung là sẽ xây dựng các văn phòng công chứng xã hội hóa, nhưng tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét lập các văn phòng công chứng của nhà nước. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng lộ trình xã hội hóa 139 phòng công chứng của nhà nước được thành lập trước đây nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà nước.

Theo quy hoạch, đến năm 2015, về cơ bản các huyện trên cả nước sẽ có tổ chức hành nghề công chứng. Đến 2020, tất cả các huyện, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo sẽ có tổ chức hành nghề công chứng.

“Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, dịch vụ công chứng sẽ ngày càng phát triển, tạo thuận lợi cho người dân”, Bộ trưởng nói.

Giám sát lẫn nhau để cạnh tranh lành mạnh

Về hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng, các công chứng viên tỏ ra đơn giản, dễ dãi trong thủ tục công chứng để thu hút khách hàng, Bộ trưởng cho rằng đây là hệ quả không mong muốn của quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, vốn phát triển rất nhanh thời gian qua. Từ 1/7/2007, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng đã tăng gấp 6 lần.

Bộ trưởng chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, trước hết là nhận thức, trình độ nghiệp vụ của nhiều công chứng viên còn hạn chế, việc bổ nhiệm công chứng viên nhiều nơi còn dễ dãi. Thứ hai, hoạt động quản lý của Nhà nước chưa thật sự chặt chẽ.

Giải pháp trước mắt là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ cho các công chứng viên. Năm 2013, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành tranh tra đồng loạt các văn phòng công chứng, đồng thời phát triển các hội công chứng tỉnh, thành phố để các tổ chức hành nghề công chứng giám sát lẫn nhau.

Về lâu dài, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã đồng ý tiến hành sửa đổi Luật Công chứng trong năm 2013, theo hướng quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn, trách nhiệm  của công chứng viên.

Thanh Bình

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,795

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn