Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có phạm tội không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
08/02/2022 08:01 AM

Trầm cảm là tình trạng thường gặp với người mẹ sau khi sinh con. Vậy việc mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có phạm tội không?

Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có phạm tội không?

Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có phạm tội không? (Ảnh minh họa)

Tùy vào mức độ trầm cảm của người mẹ, độ tuổi của người con và nhiều yếu tố khác mà hành vi giết con do trầm cảm sau sinh sẽ bị xử lý như sau:

1. Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể không bị xử lý hình sự

Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu người mẹ bị trầm cảm đến mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì người mẹ có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị truy cứu tội giết con mới đẻ

Theo Điều 124 Bộ luật Hình sự trường hợp mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị truy cứu TNHS về tội giết con mới đẻ khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:

- Người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mình.

- Nạn nhân phải là con của chính người mẹ sinh ra trong 07 ngày tuổi.

Như vậy, nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu trên thì mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ với mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù.

3. Mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị truy cứu tội giết người

Nếu không đáp ứng đủ một trong các dấu hiệu của tội giết con mới đẻ thì người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi. Mức hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình.

Tuy nhiên, người mẹ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,471

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn