Không nộp phạt vi phạm hành chính bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/01/2022 14:06 PM

Xử phạt vi phạm hành chính là cơ chế phổ biến nhất hiện nay để răn đe các hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên không phải cứ có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có hành vi vi phạm sẽ nộp phạt ngay, nhiều người hứa hẹn, viện cớ để trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt. Những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?

Không nộp phạt vi phạm hành chính bị xử lý như thế nào?

Không nộp phạt vi phạm hành chính bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định:

- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó (theo khoản 2 Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính).

- Trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần thì thời hạn nộp tiền phạt không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần (theo Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Như vậy, người bị xử phạt vi phạm hành chính phải thi hành quyết định trong vòng 10 ngày, trường hợp đủ điều kiện thi hành nhiều lần thì thi hành quyết định trong thời gian không quá 06 tháng.

2. Hình thức xử lý khi không nộp phạt hành chính

Nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt thì tổ chức, cá nhân có thể phải nộp thêm tiền phạt nộp chậm và bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

2.1 Nộp thêm tiền chậm nộp phạt

Mức nộp thêm tiền phạt nộp chậm là 0,05% trên tổng số tiền mà tổ chức, cá nhân chưa nộp phạt.

Cách xác định thời gian tính tiền chậm nộp phạt như sau:

- Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt.

- Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Bưu chính 2010.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt không có xác nhận ngày giao nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh.

(theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 105/2014/TT-BTC)

2.2 Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các biện pháp cưỡng chế gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Hình thức nộp phạt vi phạm hành chính

Người phải thi hành quyết định xử phạt vi phạm có thể nộp phạt qua 03 cách sau đây:

- Nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt:

Thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là thời điểm Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu, người có thẩm quyền thu phạt xác nhận trên chứng từ thu tiền mặt.

- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là thời điểm Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt xác nhận trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách bằng chuyển khoản.

Ngoài ra, đối với vi phạm giao thông, xây dựng, người vi phạm có thể nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Xem tại đây Hướng dẫn nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công)

Nhật Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 48,332

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn