Sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân: Góp ý bị bỏ ngoài tai

12/09/2012 09:02 AM

Không chỉ mâu thuẫn với báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới công bố trước đó về gánh nặng thuế, phí mà người dân phải chịu, đề xuất ngưỡng thuế vừa công bố của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UB TC-NS) khiến ai nấy đều sửng sốt, bất bình.

Sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân: Góp ý bị bỏ ngoài tai
Làm thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: D.Đ.M

Việc hạ ngưỡng chịu thuế cũng như mức chiết trừ gia cảnh của UB TC-NS lần lượt từ 9 triệu xuống 7 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và từ 3,6 triệu xuống 2,8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp không những khiến người dân mà cả những chuyên gia kinh tế, đặc biệt những chuyên gia tham gia góp ý sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng bất ngờ.

Bộ Tài chính đề xuất khởi điểm chịu thuế 9 triệu, UB TC-NS giảm xuống 7 triệu, nhưng không thấy nói tới sửa đổi biểu thuế, mặc dù tôi và các chuyên gia đã có rất nhiều góp ý về vấn đề này - Bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN

Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng: “Về căn cứ đưa ra con số 9 triệu đồng, hay 7 triệu đồng, Bộ Tài chính và UB TC-NS đều không thể đưa mức GDP từ 6,5 - 7% và lạm phát dưới 2 con số vào một phương trình để tìm được nghiệm đúng. Nó đã là quá thấp so với mức lạm phát, bởi riêng tốc độ trượt giá 2012 so với 2007 - tức năm xây dựng mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng lên tới hơn 50% chứ không phải dưới 2 con số. Không thể tính trượt giá bằng cách lấy của năm sau so năm trước mà phải lấy năm điều chỉnh so với năm ban hành”.

Quá kỳ cục và phi lý

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận xét, mức giảm trừ này quá bất cập. Đặc biệt, việc khống chế mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ 2 trường hợp là quá kỳ cục và phi lý. Nếu vì lo giảm thu ngân sách thì UB TC-NS cần tham khảo báo cáo phân tích gần đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo báo cáo này, người dân hiện nay chịu rất nhiều loại thuế và thuế, phí ở nước ta cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. “Thực tế, người dân đã đóng góp trực tiếp và gián tiếp rất nhiều vào ngân sách nhà nước qua các loại thuế khác nhau chứ không chỉ qua thuế TNCN. Hiện nay nhu cầu cơ bản của đông đảo người dân như nhà ở, điều kiện sống, nhu cầu văn hóa… vẫn chưa được đáp ứng. Do vậy chính sách thuế phải để người dân có thể cải thiện được cuộc sống và những nhu cầu chính đáng", bà Lan nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường đại học Mở TP.HCM, phân tích: “Người nộp thuế hiện nay chủ yếu là người làm công ăn lương, là những thu nhập nắm được trong khi những khoản thu nhập khác chưa đóng góp nhiều vào ngân sách. Quan trọng hơn, thu nhập danh nghĩa của người dân có tăng lên nhưng thu nhập thực tế không tăng bởi giá cả những năm qua liên tục tăng mạnh. Nếu chỉ tập trung tăng nguồn thu thì người dân sẽ ít chi tiêu, không thể kích cầu kinh tế được. Do đó, chính sách thuế cần phải hỗ trợ sức mua, tạo điều kiện để nền kinh tế có thể hồi phục”.

Ông Thuận cũng cho rằng, khi đề xuất mức 7 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 2,8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, chưa thấy đơn vị đề xuất tính ra mức ảnh hưởng ngân sách là bao nhiêu. Cũng không thấy ai đề cập đến chi phí vận hành thu thuế. Hiện số người nộp thuế bậc 1 (tức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng đối với người độc thân) chiếm hơn 73% số người nộp thuế, nếu mức 7 triệu đồng được thông qua thì bộ máy cơ quan thuế chỉ thêm cồng kềnh, chi phí ngân sách phát sinh. Do đó không nên áp dụng mức đề xuất này, và càng không nên áp dụng quy định hạn chế mỗi người nộp thuế giảm trừ tối đa 2 người phụ thuộc.                          

Hàng loạt góp ý bị bỏ qua

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN bày tỏ nỗi thất vọng về hàng loạt vấn đề góp ý của mình và các chuyên gia không được đưa vào trong dự thảo sửa đổi luật lần này. Không bình luận về những con số “cứng nhắc” giảm trừ gia cảnh vì theo bà Cúc, việc điều chỉnh thuế TNCN quyết định lớn lại là ở biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc quá dày như hiện nay.

 

Bà Cúc tính toán, sau khi giảm trừ gia cảnh, bậc 1 có mức thu nhập chịu thuế 5 triệu đồng cho đến bậc 7 cao nhất là 80 triệu đồng chỉ cách nhau 16 lần. Trong khi đó, tại Trung Quốc, khoảng cách này là 53 lần, ở Philippines 50 lần, ở Malaysia 40 lần và ở Thái Lan là 27 lần. Khoảng cách giữa các bậc thuế quá gần nên tác dụng điều chỉnh thuế thay đổi không đáng kể. Cộng với mức giảm trừ gia cảnh tăng lên, một phần lớn người nộp thuế hiện hành sẽ được miễn thuế. Nghĩa vụ đóng góp thuế còn lại dồn vào một số ít người có thu nhập cao. Đây lại là những cá nhân có trình độ năng lực cao, đặc biệt là những người nước ngoài hoặc người VN học tập ở nước ngoài về nên sẽ khiến VN bị hạn chế trong cạnh tranh, thu hút nhân lực so với các nước trong khu vực đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm người dân. Vì vậy, cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế tăng từ 16 lần lên khoảng 40 lần nếu so sánh giữa bậc 1 và bậc 7. Ví dụ, thay vì bậc 2 là từ 5 đến dưới 10 triệu đồng, cần giãn ra từ 5 đến 15 hoặc đến 20 triệu đồng/tháng.

Một chuyên gia tính toán, nếu một người độc thân có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc, sau khi trừ đi mức giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng, thu nhập chịu thuế là 11 triệu đồng. Theo cách tính biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay, mức thuế người này phải nộp là 900.000 đồng. Nhưng nếu giãn bậc, thì số thuế phải đóng chỉ còn 850.000 đồng. “Bộ Tài chính đề xuất khởi điểm chịu thuế 9 triệu, UB TC-NS giảm xuống 7 triệu, nhưng không thấy nói tới sửa đổi biểu thuế, mặc dù tôi và các chuyên gia đã có rất nhiều góp ý về vấn đề này”, bà Cúc nói.

Trong khi đó theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM VN, tính mức giảm trừ bằng cách đưa ra con số tuyệt đối khiến các cuộc họp cãi nhau không dứt. Nguyên nhân là do trong luật cũ đã không giải thích từ ngữ rõ ràng. Cụ thể trong quy định giảm trừ gia cảnh là một khoản được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công… nhưng không đưa ra căn cứ, tiêu chí rõ ràng khiến cơ quan chức năng phải "vẽ" ra các con số cứng nhắc, thiếu chính xác. Nhưng theo kinh nghiệm của các nước, giảm trừ gia cảnh là số tiền cần thiết để người lao động chi trả cho những nhu cầu thiết yếu ở mức trung bình của xã hội. Ông Tiền cho rằng, hoàn toàn có thể tính được một người dân ở thời điểm này số tiền cần chi trả cho nhu cầu thiết yếu, từ cơ sở đó chia cho mức lương tối thiểu ra một hệ số. Hệ số này được đưa vào luật, ví dụ mức giảm trừ gia cảnh bằng mức lương tối thiểu nhân với hệ số, khi nào lương tối thiểu tăng thì mức giảm trừ tăng.

Bà Phạm Chi Lan cũng kiến nghị, luật vẫn điều chỉnh theo những con số cứng nhắc sẽ không thể đáp ứng được đòi hỏi điều chỉnh thuế linh hoạt theo diễn biến thực tế của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mức chiết trừ gia cảnh cần được tính trên cơ sở hệ số so với mức tiền lương tối thiểu đã được nhiều chuyên gia đề cập trước đó.

Không đồng quan điểm với Chính phủ

Theo nguồn tin của Thanh Niên, hôm qua 11.9, UB TC-NS đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN để trình TVQH tại phiên họp chiều nay 12.8.

Trong báo cáo thẩm tra chính thức vừa được ký, UB TC-NS không đồng quan điểm với Chính phủ ở một số nội dung căn bản của việc sửa luật thuế lần này, đó là mức khởi điểm chịu thuế và mức tính giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc. Theo tờ trình của Chính phủ, mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra (sau khi xin ý kiến các thành viên trong thường trực ủy ban bằng văn bản sau phiên họp ngày 7.9) vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị mức khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 2,8 triệu đồng, tối đa là hai người.

Chiều nay 12.9, báo cáo thẩm tra này sẽ được đại diện UB TC-NS trình tại phiên họp TVQH bàn về những nội dung sửa đổi, bổ sung của luật Thuế TNCN.

Bảo Cầm

Thanh Xuân - Anh Vũ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,951

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn