Cần có luật kiểm soát thương nhân nước ngoài

20/08/2012 10:07 AM

Thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam bằng hình thức du lịch, thu mua nông sản trái phép nhằm mục đích phá giá thị trường hoặc lợi dụng sự yếu kém của nông dân để dìm giá, xù nợ...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận thời gian qua, những thương nhân có mặt ở Việt Nam thu mua nông sản chủ yếu theo hình thức du lịch, đây là hoạt động mua bán trái phép. Bên cạnh đó, việc chậm đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định khiến cho các cơ quan quản lý địa phương rất khó khăn trong khâu kiểm soát và xử lý trường hợp vi phạm.

Lợi dụng luật hở để lộng hành

Ông Đinh Tiên Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông hải sản Hải Thành (Hathaco), cho biết phần lớn thương nhân Trung Quốc sang thu mua nông sản nhằm mục đích phá giá thị trường. Việt Nam trồng được cây gì thì Trung Quốc cũng có thể trồng được. Chẳng hạn, Trung Quốc có đảo Hải Nam là vùng nguyên liệu trồng ớt rất lớn, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc cũng thường xuyên xuất khẩu ớt qua Hàn Quốc nhưng họ vẫn sang Việt Nam thu mua ớt dồn dập với giá cao hơn (30.000 đồng/kg) so với giá DN Việt Nam đưa ra (20.000 đồng/kg) rồi sau đó ép giá, lặn mất tăm.

Một nguyên nhân khác, theo ông Ngô Văn Chánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre), là thương lái nước ngoài đã lợi dụng mặt nhận thức còn yếu của người nông dân, vốn không quen ký hợp đồng, hóa đơn chứng từ mà thường giao dịch bằng miệng. Họ còn dùng thủ thuật về kiểm tra chất lượng để dìm giá rồi xù nợ…

Trên thực tế, hoạt động của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định 90/2007 hầu như chưa xuất hiện. Từ khi nghị định ra đời, chưa có thương nhân nào đăng ký ở Vụ Xuất nhập khẩu hay Sở Công Thương các tỉnh. Phần lớn thương nhân nước ngoài sang theo dạng đi du lịch, nếu mua nhiều thì mượn tay DN trong nước rồi vận chuyển qua đường tiểu ngạch.

Phần lớn thương nhân nước ngoài sang theo dạng đi du lịch thu mua nông sản tận gốc rồi vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh:Nông sản chuyển qua biên giới tại cửa khẩu Cốc Nam. Ảnh: LƯƠNG BẰNG

GS Võ Tòng Xuân nhận định tình hình này cũng là do DN Việt Nam quá thụ động, ngay cả khi thương nhân nước ngoài vào thu mua nông sản ở vùng nguyên liệu, sản xuất của mình. Một biểu hiện cho thấy DN không gắn kết với nông dân. “Thương nhân nước ngoài chỉ cần cho thương lái nước ta chút đỉnh thì việc thu mua quá dễ dàng” - ông nói.

Nghị định đã lạc hậu

Ông Võ Văn Quyền cho biết trong tháng 8 này Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn quy định hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài. Nội dung nhấn mạnh vào việc phân loại thương nhân nước ngoài với các điều kiện khi tham gia mua bán hàng hóa, xuất nhập khẩu, có cả chế tài xử lý các trường hợp mua bán trái phép…

Nhìn lại Nghị định 90/2007 có thể thấy đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh là thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Đây là thương nhân nước ngoài không đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo các hình thức quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thương mại; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Thương mại. Nếu muốn thu mua hàng hóa tại Việt Nam, họ phải đăng ký quyền xuất nhập khẩu khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu đối với các loại hàng hóa được phép xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam…

Thế nhưng “đã muốn làm ăn gian dối thì chẳng ai dại gì đi đăng ký ở Vụ Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương. Sang Việt Nam bằng hình thức du lịch vừa dễ dàng về thủ tục nhập cảnh, lại dễ thu mua nông sản thông qua thương lái Việt Nam. Nếu có bị cơ quan quản lý “hỏi thăm” họ vẫn “qua mắt” được vì không có giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng để làm bằng chứng. Vì vậy, khó mà kiểm soát họ bằng việc phải đăng ký ở Sở Công Thương” - GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Theo GS Xuân, vì đã ra đời được hơn năm năm nên Nghị định 90/2007 không còn theo kịp những chiêu thức lách luật, biến tướng của thương nhân nước ngoài hiện nay. Việc chậm trễ này cũng cho thấy sự bàng quan của cơ quan quản lý. Nếu có ban hành thông tư hướng dẫn bây giờ cũng khó mà quản lý, kiểm soát.

2011: Người dân tại hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang trồng khoai lang tím Nhật để bán cho thương lái Trung Quốc vì họ mua tất cả kích cỡ với giá cao. Cuối tháng 5-2012, giá giảm 4-5 lần, thương lái còn lấy cớ khoai lớn củ nên không mua hoặc ép bán với giá rất thấp.

5-2012:Huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra tình trạng khách du lịch Trung Quốc giả danh thương lái thu mua cua của người dân xong rồi quỵt nợ trên chục tỉ đồng, không có hóa đơn hay giấy tờ giao dịch nào chứng minh.

6-2012: Hàng trăm hộ dân trồng ớt ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chết dở do các đầu mối thu mua ớt tươi bán lại cho thương lái Trung Quốc dừng mua đột ngột. Sau khi thương lái rút lui, ớt tươi rớt giá thê thảm.

Thương lái Trung Quốc đẩy giá dừa cao rồi thu mua hàng loạt khiến DN tại Bến Tre phải sang Indonesia mua dừa về chế biến. Giá dừa sau đó sụt thảm hại.

QUANG HUY - TRÀ PHƯƠNG

Theo phapluattp.vn


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,387

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn