07/06/2012 08:30 AM

TT - Sáng 6-6, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: “Nếu không kiểm toán chặt chẽ, giá điện sẽ còn tăng”.

Ông Ngân cho biết theo dự thảo Luật điện lực (sửa đổi), giá điện sẽ được căn cứ trên việc kiểm toán báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Do đó, phải kiểm toán chặt chẽ, công khai mới mong có giá điện đúng với chi phí sản xuất. Ông Ngân nêu vấn đề ngành điện không được đầu tư ra ngoài ngành, vì không có cớ gì người tiêu dùng lại phải sử dụng điện với giá trồi sụt theo sự thành bại của việc đầu tư kinh doanh ngoài ngành đó.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) không đồng ý việc thu thêm phí điều tiết điện, vì trong giá điện đã được tính loại phí này, giờ thu thêm nữa là vô lý. “Ngành điện phải nói rõ cơ cấu giá điện, phí trong hoạt động truyền tải điện để người dân thấy được sự minh bạch, yên tâm đóng tiền điện” - ông Thiện nói.

Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường, phải đến sau năm 2022 VN mới có thể có thị trường điện hoàn chỉnh. Nghĩa là trong một số năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nói việc dự kiến đến sau năm 2022 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm và cứng nhắc. Bà Trang cho rằng có nhiều lộ trình để dẫn đến giá điện cạnh tranh, không nên cứng nhắc mà nên đan xen, cái nào phù hợp có thể cho áp dụng để có thể đạt được lộ trình này nhanh hơn.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Nhiều ý kiến trong Đoàn đại biểu TP.HCM nhất trí việc đề xuất mở rộng quyền hoạt động của luật sư, giảm bớt các thủ tục gây trở ngại trong quá trình tham gia tố tụng của luật sư. Nhưng đồng thời cũng tăng các biện pháp kiểm soát, chế tài để chấn chỉnh những hoạt động không lành mạnh. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng thay vì cấp thẻ hành nghề luật sư có giới hạn thời gian, nên tăng cơ chế kiểm soát và các điều kiện rút thẻ vĩnh viễn để buộc các luật sư phải đáp ứng được các điều kiện về chuyên môn và đạo đức. Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị nên có các điều luật để chế tài những hành vi không đúng mực của luật sư. “Thực tế có những luật sư chạy sô quá nhiều, dẫn đến vắng mặt hoặc đến chậm làm phiên tòa phải hoãn, có khi bào chữa xong thấy không thắng được bỏ về giữa chừng không thèm nghe tuyên án” - ông Đương nói.

Không cần luật nếu xem hợp tác xã như doanh nghiệp

Chiều 6-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi). Thẩm tra dự án luật này, trong Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với quy định của dự thảo luật, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, tự chủ, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ như quy định luật hiện hành, quy định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí loại ý kiến thứ nhất. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng nếu quan niệm hợp tác xã như một doanh nghiệp thì không cần làm Luật hợp tác xã.

VÕ VĂN THÀNH - VIỄN SỰ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,660

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn