22/03/2012 17:16 PM

- Ủng hộ quy định về nguyên tắc cho phép lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn muốn có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi yêu cầu bổ sung báo cáo về tình hình lao động nước ngoài ở Việt Nam, kinh nghiệm thực hiện của các nước cũng như đánh giá những mặt thuận lợi và không thuận lợi nếu thực hiện quy định trên.

Ba vấn đề nổi bật trong phiên thảo luận về dự án luật Công đoàn (sửa đổi) sáng nay tại phiên họp UBTVQH là: địa vị pháp lý của công đoàn, lao động nước ngoài tham gia công đoàn và tài chính công đoàn. 

Nhấn mạnh vị trí đặc biệt của công đoàn đối với người lao động, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay trong quan hệ lao động theo pháp lý, chỉ có công đoàn là đại diện duy nhất cho người lao động. Nếu công đoàn không mạnh, toàn bộ quan hệ lao động sẽ bế tắc từ hỗ trợ người lao động trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ người lao động không bị chấm dứt hợp đồng đơn phương trái pháp luật, thương lượng lương, hỗ trợ người lao động khi có tranh chấp cá nhân, tranh chấp lao động tập thể...

Ảnh: TTXVN

Là một trong những nội dung của dự thảo luật sửa đổi có nhiều ý kiến tranh luận, phản biện nhất tại các phiên thảo luận trước đây, quy định có nên cho phép lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn vẫn tạo ra những ý kiến khác nhau tại phiên họp sáng nay, khác nhau về cách đặt vấn đề ngay cả trong hướng cùng ủng hộ. 

Theo dự thảo quy định, "người lao động là người nước ngoài làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có tổ chức công đoàn cơ sở thì có quyền gia nhập công đoàn nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày xin gia nhập công đoàn".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ quy định như dự thảo luật nhằm thể hiện sự cởi mở, đoàn kết giai cấp công nhân, tạo sự bình đẳng. Bà cũng nhấn mạnh luật chỉ quy định "quyền được gia nhập" tức ủng hộ về nguyên tắc. Các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện và cơ chế cụ thể để họ thực hiện quyền này được Công đoàn quy định sau.

Tham gia có điều kiện

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai chỉ ra điểm mâu thuẫn về điều kiện được gia nhập, đó là "nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực từ 1 năm trở lên kể từ ngày xin gia nhập công đoàn". Điều này mâu thuẫn với điều 171 của Bộ luật Lao động quy định lao động nước ngoài chỉ được ký hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, sau hết mới tiếp tục gia hạn.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa không ủng hộ, cho rằng quy định này thậm chí không đồng nhất với điều 81 của Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp quy định "người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam". Ông lý giải, như vậy, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho lao động nước ngoài tại Việt Nam là do Nhà nước thực hiện, những mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi ở địa bàn lao động do chính quyền nơi đó xử lý, không phải do công đoàn chủ động dàn xếp.

Tổng kết các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay các ý kiến nhìn chung ủng hộ quy định về nguyên tắc cho phép lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn. Song ông đồng tình với bà Trương Thị Mai về đối chiếu điều kiện tham gia liên quan đến thời hạn lao động như bộ luật lao động quy định. Theo đó, dự thảo sửa đổi sẽ chỉnh sửa điều kiện gia nhập thành "nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực".

Xuân Linh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,223

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn