15/03/2012 13:32 PM

Đây là kết luận tại cuộc họp đánh giá việc điều chỉnh giờ làm, giờ học trên địa bàn Hà Nội ngày 14.3, do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chủ trì.

Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng, tại các nút trọng điểm (sau khi thay đổi giờ làm, giờ học) lưu lượng phương tiện đã được giãn ra các giờ khác nhau nên mật độ giảm.

Đặc biệt, về thời gian di chuyển của phương tiện đã giảm từ 10-15 phút tùy từng chuyến đi. Khách đi xe buýt tăng 40%, doanh thu tăng 6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số lượt xe buýt bị tắc đường giảm 70-75%.


Sau một tháng đổi giờ làm, giờ học, Hà Nội vẫn ùn tắc - Ảnh: L.Q.P

Mật độ giao thông giảm trong giờ cao điểm được giải thích là do giảm lượng học sinh, sinh viên và người đưa đón; do cấm taxi, xe tải trên một số tuyến; do hạn chế phương tiện dừng, đỗ trên nhiều tuyến phố... Tuy nhiên, đã xuất hiện các điểm ùn tắc mới như nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn - Khâm Thiên, đường La Thành.

Ông Trần Thùy, Phó giám đốc CA Hà Nội cho biết, hơn 10 trường đại học, cao đẳng khu vực Từ Liêm không điều chỉnh giờ học. Dọc các QL và nhiều tuyến phố, chợ tự phát vẫn họp, việc xây dựng 5-6 điểm đỗ xe trong nội đô tháng 9 này mới hoàn thành và cần phải có lộ trình kiểm tra từng tháng một; QL 1A cứ mưa là ngập, gây ùn tắc ngược trở lại nội thành…

Theo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, từ khi đổi giờ, các tuyến phố được khảo sát chưa xảy ra ùn tắc nghiêm trọng như trước mà ùn ứ cục bộ, thời gian ùn tắc giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số tuyến như La Thành, Lê Thanh Nghị, đường Trường Chinh vẫn ùn tắc như trước. Việc thay đổi giờ và phân làn, cấm dừng đỗ xe trên một số tuyến phố chỉ làm ùn tắc nghiêm trọng thành ùn tắc nhẹ, ùn tắc cục bộ chứ không thay đổi tình trạng giao thông thủ đô.

Tại cuộc họp, đại diện Sở GTVT đề nghị: Xem xét không điều chỉnh giờ học tại một số trường THPT ở các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông là nơi ít học sinh. Ngược lại, điều chỉnh giờ học của học sinh tại các khu vực mật độ cao như đường La Thành, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Lê Thanh Nghị, Giải Phóng.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng việc điều chỉnh giờ làm, giờ học đã chuyển biến tích cực. Do vậy, TP sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong đó có việc tiếp tục phân làn thêm 8 tuyến phố, không cho để xe dưới lòng đường ở 262 tuyến phố, triển khai 33 điểm đỗ xe trong năm 2012, xây dựng 5 điểm đỗ xe cao tầng. 

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, TP tiếp tục triển khai phân làn tách phương tiện giao thông ở cả nội thành và ngoại thành (trên các trục QL), xem xét tăng cường việc rẽ phải ở các giao lộ để tránh ùn tắc.

Sở GTVT và các quận cần triển khai quy hoạch các điểm đỗ xe. Hà Nội cũng sẽ mua thêm 100 xe buýt gầm thấp và điều chỉnh tuyến, giờ, lượng khách, đồng thời tổng kiểm tra các doanh nghiệp taxi, tiếp tục mở rộng các nút giao thông, các đường vành đai, đẩy nhanh các dự án đường sắt đô thị.

Đặc biệt, ông Thảo đề nghị phải có quy hoạch giãn dân trong khu trung tâm từ 1,2 triệu xuống 80 vạn người trong các năm tới và xem xét chính sách kiểm soát nhập cư để hạn chế việc gia tăng dân số như TP Đà Nẵng đang triển khai.

Việt Chiến

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,831

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn