25/02/2012 13:41 PM

TT - Bắt đầu từ 8g hôm nay (25-2), Công ty 715 thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) chính thức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhân viên trạm thu phí hướng dẫn tài xế cách bấm nút lấy thẻ từ - Ảnh: V.TR. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phòng, phó tổng giám đốc Cửu Long CIPM, về việc thu phí giao thông đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Nhân viên trạm thu phí hướng dẫn tài xế cách bấm nút lấy thẻ từ - Ảnh: V.TR.

Theo “quảng cáo” của Cửu Long CIPM, đây là hình thức thu phí hiện đại nhất VN. Khi xe vào đường cao tốc không phải mua vé, trả tiền như các trạm thu phí hiện hành, tài xế chỉ dừng tại trụ phát thẻ từ tự động bấm nút, chờ 2-3 giây sẽ lấy thẻ từ máy nhả ra. Nhận thẻ xong, tài xế tiếp tục chạy, không phải trả tiền liền. Khi đến trạm thu phí tiếp theo, tài xế trả thẻ từ cho nhân viên thu phí. Máy tính xác định số tiền phải trả và in phiếu thanh toán. Quá trình nhận thẻ từ và thanh toán diễn ra rất nhanh, chỉ 3-15 giây.

Còn nhiều trục trặc

12g ngày 24-2, tại trạm thu phí phía Tiền Giang có khoảng 100 phương tiện xếp hàng chờ nhận thẻ từ để vào đường cao tốc. Ở phía đầu vào có ba làn xe, trong đó một làn dành cho ôtô quá tải, quá khổ. Tuy nhiên, một máy phát thẻ tự động ở làn thứ nhất bị hỏng không hoạt động được. Nhân viên thu phí phải phát thẻ thủ công: lấy thẻ từ đặt vào máy đọc để máy tính xác nhận điểm bắt đầu vào đường cao tốc, sau đó mới lấy thẻ đưa cho tài xế. Quá trình này mất 10-15 giây, máy đọc rất chậm.

Ở làn đường có máy phát thẻ hoạt động, thao tác nhận thẻ diễn ra nhanh hơn. Tài xế dừng tại trụ phát thẻ nhấn vào nút màu vàng, chờ 2-3 giây máy sẽ nhả thẻ ra (giống như máy rút tiền tự động ATM). Trụ phát thẻ có hai ngăn: phía dưới dành cho ôtô khách và ôtô con, còn ngăn trên cao dành cho xe tải và xe container.

Dù đã tổ chức thu phí thử nghiệm ba ngày qua nhưng đến hôm nay hầu hết tài xế đều còn ngơ ngác khi đi qua khu vực phát thẻ tự động. Do quen với cách thu phí cũ, nhiều tài xế cho xe dừng ngay cabin của nhân viên thu phí, vượt khỏi trụ phát thẻ gần 1m nên không thể tự nhấn nút lấy thẻ được. Lúc này ôtô phía sau đã bám sát, tài xế rất khó lùi lại bấm nút lấy thẻ, nhân viên thu phí phải làm giúp thao tác này.

Hôm qua, do chưa thu tiền nên thời gian tài xế chờ nhận phiếu tính tiền khoảng 10-15 giây. Theo quan sát của chúng tôi, nếu tính cả thời gian thu tiền, thối tiền thì phải mất thêm 5-10 giây nữa.

Một cán bộ Trung tâm quản lý đường cao tốc xác nhận hiện nay những người có trách nhiệm rất lo khi thu phí chính thức sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc ở đầu ra. Khi đó các phương tiện sẽ phải xếp hàng dài và nhích từng mét để tới cabin tính tiền. Nguyên nhân là thao tác đọc thẻ, tính tiền diễn ra khá chậm, cộng với việc nhận tiền, thối tiền trong giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Điều đáng lo ngại là những ngày qua máy tính ở các cabin tính tiền, in phiếu thanh toán thi nhau “treo”. Nhiều lúc tài xế phải chờ khá lâu vẫn không nhận được phiếu thanh toán.

Theo ghi nhận, trong ngày 24-2, có nhiều ôtô tải chuyển hướng lưu thông trên quốc lộ 1A. Mật độ phương tiện trên quốc lộ này tăng đột biến so với những ngày trước. Một tài xế cho biết phải đi quốc lộ 1A vì phí qua đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương khá cao.

Ôtô nối đuôi nhau chờ lấy thẻ từ tự động ở một trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương -Ảnh: V.Trường

Sẽ bán quyền thu phí để đầu tư dự án khác

Ngày 24-2, ông Nguyễn Văn Công - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ GTVT - cho biết mức thu phí đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương được Bộ Tài chính quy định, dựa trên tổng mức đầu tư của dự án và thời gian hoàn vốn đầu tư thông qua thu phí. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư 9.800 tỉ đồng, mức thu Bộ Tài chính ban hành là đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian 25 năm.

Theo chủ trương của Chính phủ, việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được Bộ GTVT đàm phán với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC - thuộc Ngân hàng đầu tư và phát triển - BIDV). Theo dự thảo của hợp đồng, để có quyền thu phí đường cao tốc này, BEDC phải thanh toán cho Nhà nước khoảng 9.156 tỉ đồng trong 30 tháng kể từ khi tiếp nhận đường cao tốc. Thời hạn BEDC được thu phí là 25 năm, mức phí được tính là 1.000 đồng/km đối với xe con tiêu chuẩn (bằng mức phí hiện nay). Tuy nhiên, do khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp, nên cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nữa.

Ông Công cho biết sau khi BIDV không mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT xin Thủ tướng cho phép Cửu Long CIPM được tổ chức thu phí tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ GTVT giao Cửu Long CIPM thu phí, đồng thời chỉ đạo Cửu Long CIPM tìm kiếm nhà đầu tư muốn mua lại quyền thu phí đường cao tốc để lấy tiền đầu tư các dự án khác.

VÂN TRƯỜNG - T.PHÙNG

“Ban đầu có thể gây sốc”...

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phòng, phó tổng giám đốc Cửu Long CIPM, về việc thu phí giao thông đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

* Theo các doanh nghiệp vận tải, mức thu phí đối với xe tải khá nặng, liệu có giảm mức thu phí?

- Theo tôi, mức phí đường cao tốc có thể gây sốc ban đầu một số người nhưng dần dần mọi người sẽ thấy quen. Thực tế hai năm qua Nhà nước đưa đường cao tốc vào sử dụng đã không thu phí, nay việc thu phí là để thể hiện sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người đi đường cao tốc.

* Vì sao đã thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương còn đặt thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A ở Long An? Việc đặt thêm trạm thu phí này tỏ ra bất hợp lý vì ở Q.Bình Tân (TP.HCM) đã có trạm thu phí An Sương - An Lạc, hai trạm này cách nhau dưới 70km, theo quy định của Bộ Tài chính là không được đặt trạm?

- Các cơ quan chức năng dự báo nếu chỉ thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì nhiều xe sẽ dồn sang quốc lộ 1A, gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường và có thể xảy ra tai nạn giao thông. Việc đặt thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhằm điều tiết giao thông trên tuyến đường này. Việc thu phí này đã được các cơ quan thẩm quyền trung ương phê duyệt căn cứ vào đặc thù của tuyến đường cao tốc có quốc lộ 1A từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây chạy song song.

* Biện pháp nào để xử lý ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí?

- Chiều 24-2, Cửu Long CIPM, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, phòng cảnh sát giao thông TP.HCM, Long An và Tiền Giang đã có cuộc họp thống nhất một số giải pháp giải quyết ách tắc giao thông tại các trạm thu phí. Cụ thể, khi ùn tắc xe ở trạm thu phí, cảnh sát giao thông sẽ điều tiết trên đường nhánh nối vào đường cao tốc, buộc các xe phải đi về quốc lộ 1 A. Trường hợp ùn tắc giao thông trên đường cao tốc ở đoạn Thân Cửu Nghĩa thì điều tiết xe đang lưu thông trên đường cao tốc xuống ngay các nút giao thông Tân An (Long An) hoặc ở nút giao thông Bến Lức (Tiền Giang) để đi ra quốc lộ 1.

* Trong cuộc họp báo ngày 23-2, Cửu Long CIMP cho rằng khi bị ùn tắc ở trạm thu phí phải chờ báo cáo cấp thẩm quyền mới “xả trạm”, biện pháp này tỏ ra không ổn?

- Cũng trong cuộc họp chiều 24-2, Cửu Long CIPM và đại diện cảnh sát giao thông, Trung tâm quản lý đường cao tốc và đơn vị thu phí thống nhất biện pháp xả trạm ngay sau khi các đại diện có mặt tại trạm ký biên bản về số lượng xe không thu phí.

NGỌC ẨN thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,325

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn