09/02/2012 14:18 PM

Vụ cưỡng chế thu hồi đầm khai thác, nuôi trồng thuỷ sản của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn dẫn đến một vụ án hình sự nghiêm trọng, đặt ra nhiều quan điểm đánh giá về mặt pháp lý khác nhau nay đã dần đi đến hồi kết với những động thái quyết liệt xử lý đối với những tổ chức và cá nhân sai phạm.

Đằng sau những bức xúc và thảm cảnh đau lòng của những hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất như trường hợp hộ ông Đoàn Văn Vươn, là thái độ hành xử không nhất quán, không vì dân, thiếu tôn trọng dân của một số cán bộ có chức, có quyền ở địa phương. Bên cạnh đó, phải kể đến cơ chế, thủ tục pháp lý nhằm ban hành các quyết định hành chính liên quan đến đất đai của chính quyền, quá trình tố tụng hành chính của các cấp toà án thiếu minh bạch đã cộng hưởng khiến cho vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Tất cả những thực trạng và dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc này đều có nguyên cớ từ những bất cập trong chế độ sở hữu về đất đai và quá trình nhận thức, thực thi pháp luật về quản lý đất đai.

Bất cập từ chế độ sở hữu đất đai

Thực tế có nhiều vụ án hình sự phát sinh từ các mâu thuẫn trong quá trình vận dụng và thi hành pháp luật về đất đai, mà điển hình là vụ án Minh Phụng - Epco, Tamexco... trước đây, cho đến vụ việc thu hồi, cưỡng chế gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn hiện nay. Có thể nhận thấy chế độ quản lý về đất đai là một phạm trù kinh tế và pháp lý gây nhiều tranh cãi, với sự biến thiên của pháp luật về quản lý đất đai qua từng thời kỳ, đã phản ánh sự lúng túng của các nhà làm luật và các nhà quản lý khi giải quyết mối quan hệ mâu thuẫn giữa thực thi các quyền của người sử dụng đất hợp pháp với chế độ sở hữu đất đai.

Công an đang làm việc tại hiện trường ngày 8.2. 	Ảnh: HOÀN HOAN

Công an đang làm việc tại hiện trường ngày 8.2. Ảnh: HOÀN HOAN

Hiến pháp năm 1980 và 1992 đều xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước với tư cách là thiết chế quyền lực đại diện cho ý chí của nhân dân, suy cho tận cùng, theo quan niệm và thể chế của nước ta, về bản chất người dân mới chính là chủ sở hữu đích thực.

Nếu là chủ sở hữu đích thực, về mặt pháp lý người dân phải có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với đất đai, chứ đâu phải là đối tượng bị các chế tài của Nhà nước như thu hồi đất, quy hoạch “treo” một cách tùy tiện như trong một số dự án kinh doanh bất động sản hoặc bị làm khó trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất... như hiện nay.

Tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cũng đã mạnh dạn đặt ra vấn đề sở hữu toàn dân đáng lẽ phải là thực quyền lại bị biến thành hư quyền, bởi người dân không được tham khảo ý kiến trong mọi chuyện liên quan tới quản lý đất đai.

Khi cụ thể hoá Hiến pháp, Điều 5 Luật Đất đai 2003 và điều 200 BLDS 2005 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Với tư cách này, đại diện chủ sở hữu toàn dân là Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai thông qua quyết định mục đích sử dụng đất, quy hoạch hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển quyền mục đích sử dụng đất và định giá đất. Về mặt pháp lý, Nhà nước chỉ phân công, phân cấp trong quản lý đất đai chứ không có phân công, phân cấp về quyền sở hữu đất đai, các cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và các chủ thể khác chỉ có quyền sử dụng đất- một dạng quyền về tài sản, nằm trong khái niệm quyền sở hữu đất đai.

Đối chiếu với vụ án này, hình thức mà UBND huyện Tiên Lãng thực thi quyền được phân cấp trong quản lý đất đai là giao đất cho hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đây là một chế định pháp lý về bản chất điều chỉnh loại quan hệ hành chính, phát sinh giữa một bên chủ thể là Nhà nước (chủ thể quản lý) với bên kia là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (chủ thể bị quản lý).

Chế định này đến lượt mình bộc lộ rõ những bất cập liên quan đến chế độ sở hữu đất đai ở chỗ, người dân từ chỗ là “người chủ sở hữu đích thực” bỗng chốc trở thành chủ thể bị quản lý! Nhà nước có quyền giao đất thì cũng có quyền thu hồi đất, làm cho tâm lý của người dân mong muốn được đầu tư lâu dài, ổn định gặp rất nhiều cản ngại, khó khăn. Trong vụ án này, công trình lấn biển, đầu tư công sức và tiền bạc của người dân quá lớn, nhưng bị thu hồi mà không được xem xét, đền bù thì quả thật quá thiệt thòi cho người dân.   

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

Bài tiếp: Làm biến dạng tố tụng hành chính

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,070

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn