Chưa phát mại tài sản thế chấp, một giám đốc đã bị bắt giam

10/08/2011 11:49 AM

(Đất Việt) Thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, trong khi chủ nợ chưa có ý kiến gì, cơ quan công an đã "ra tay" trước bắt giám đốc, đẩy hàng trăm công nhân vào cảnh thất nghiệp, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Hàng trăm cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Quang Điền thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc rơi vào cảnh thất nghiệp, doanh nghiệp phải đóng cửa vì giám đốc bị bắt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong khi số tiền nợ quá hạn đã được các bên thống nhất.

Theo thỏa thuận của bên nợ là Công ty TNHH Quang Điền với các chủ nợ là ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Nơ Trang Long và Ngân hàng phát triển Việt Nam  thì bên có tiền cho vay đồng ý để doanh nghiệp bán toàn bộ hàng tồn kho và tài sản thế chấp để trả nợ.

Trong đơn thư gửi đến Báo Đất Việt, bà Lê Thị Khai, thành viên Công ty TNHH Quang Điền cho biết do sản xuất kinh doanh gặp rủi ro, Công ty Quang Điền mới trả Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Nơ Trang Long và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắc Lắc - Đắc Nông số tiền 5,612 tỷ đồng trong tổng số 13,8 tỷ đồng. Các bên đã thống nhất để doanh nghiệp bán toàn bộ hàng tồn kho và tài sản thế chấp để trả nợ vay. Nhưng không hiểu sao Công an thành phố .Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc vẫn bắt giam giám đốc công ty là ông Đinh Quang Điền với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khiến mọi hoạt động của công ty bị đình trệ, dẫn đến nguy cơ phá sản.

Theo bà Khai, mới đây nhất, ngày 8/7, các bên gồm: Chi nhành Ngân hàng phát triển khu vực Đắc Lắc - Đắc Nông, Quỹ Đầu tư Phát triển Đắc Lắc (tách ra từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đắc Lắc - Đắc Nông), ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nơ Trang Long và đại diện Công ty Quang Điền đã ký biên bản thỏa thuận với nội dung Công ty Quang Điền tự nguyện bán toàn bộ hàng tồn kho, tài sản thế chấp tại Quỹ Đầu tư phát triển Đắc Lắc để trả nợ vay. Ngoài số hàng tồn kho, tài sản thế chấp của Công ty Quang Điền gồm: xưởng chế biến gỗ diện tích hơn 1,3ha trong khu công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc; 1 nhà trẻ tư thục diện tích gần 2.000 m2 và căn nhà của ông Điền đang ở. Ước tính, tổng trị giá tài sản thế chấp vào khoảng 16 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hào, phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đắc Lắc- Đắc Nông và ông Lưu Xuân Sâm, giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nơ Trang Long đều cho biết ngoài biên bản thỏa thuận ngày 8/7, đến nay, các ngân hàng chưa có kiện cáo gì đối với Công ty Quang Điền và cũng không yêu cầu phía công an can thiệp. Tuy nhiên, trước đó ngày 21/6, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh Quang Điền về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và thực hiện lệnh bắt ông Điền theo quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát thành phố Buôn Ma Thuột.

Giải đáp về quyết định khó hiểu này, một lãnh đạo công an thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng lực lượng công an đã “làm đúng pháp luật”. “Nếu chúng tôi sai thì sẽ có cấp trên giám sát kiểm tra vụ án này. Còn nếu đặt vấn đề căn cứ để bắt giữ người như thế nào, đúng hay sai thì tất cả đã có trong hồ sơ vụ án và chưa thể công bố hay công khai”, vị này nói.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng Văn phòng luật sư Đăng Quang (Hà Nội) cho rằng, nếu không có hành động trốn nợ cũng như chưa có yêu cầu của phía các ngân hàng thì việc công an khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Điền về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng và đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Theo ông Quang, khi doanh nghiệp thế chấp tài sản để vay vốn thì chỉ được giải quyết trong phạm vi thế chấp, hoàn toàn thuộc trách nhiệm quan hệ dân sự, tức là nhờ tòa án tuyên, phát mại tài sản thế chấp.

Hà Vỹ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,605

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn