Huyện Tiên Lãng khẳng định không phá nhà ông Vươn

03/02/2012 09:12 AM

Người phát ngôn UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) khẳng định, việc thu hồi đất của gia đình ông Vươn hoàn toàn đúng đắn và đoàn cưỡng chế không ra lệnh cũng như không có ai tham gia việc phá nhà dân.

Sáng 2/2, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh trả lời trực tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam (kênh VOV1) vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

- Người dân cho rằng mục đích thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng chưa được minh bạch, rõ ràng. Vậy huyện Tiên Lãng thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn để làm gì?

- Chúng tôi dám khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng hoàn toàn đúng đắn và đúng theo quy định của pháp luật. Ông Vươn được giao đất từ năm 1993, thời hạn 14 năm và đến nay đã hết thời hạn. Căn cứ quy định, chúng tôi sẽ phải thu hồi đất. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển hình thức từ giao đất cho anh Vươn sang thuê đất.

Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trong lần trả lời VnExpress.net trước đây, ông Ngô Ngọc Khánh khẳng định: "Anh Vươn không phải người tốt. Anh Vươn chẳng có công lao gì. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Tại sao không giao cho ông Vươn tiếp tục sử dụng mà phải cưỡng chế thu lại để có thể cho thuê?

- Chưa một ai có trách nhiệm của UBND huyện Tiên Lãng nói rằng không cho ông Vươn thuê đất. Tuy nhiên, khi làm việc đến 8 lần với ông Vươn, ông này đều kiên quyết yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng phải giao đất, nhưng theo Luật đất đai 2003 thì phải thu hồi để chuyển sang hình thức cho thuê.

Ông Vươn cũng chưa bao giờ có ý kiến về việc sẽ trao trả đất lại cho Nhà nước. Do chưa có đất của ông Vươn trả lại nên chúng tôi chưa thể có đất cho ông Vươn tiếp tục thuê sử dụng được. Về mặt nguyên tắc, đã hết hạn sử dụng phải trả lại Nhà nước thì mới có đất để cho thuê. Cũng như người dân vay tiền ngân hàng, khi đến hạn thì phải trả tiền và muốn vay tiếp thì phải làm các thủ tục vay.

- Nếu huyện có ý định tiếp tục cho ông Vươn thuê đất sao cần phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế để thu lại, rồi lại giao tiếp?

- Chúng tôi thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật vì đến 8 lần có thông báo và trực tiếp đối thoại với ông Vươn, nhưng ông ấy vẫn cương quyết rằng huyện phải tiếp tục giao đất. Mà nếu giao đất thì chúng tôi không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên buộc phải cưỡng chế theo quy định.

- Nhiều chuyên gia về đất đai cho rằng huyện Tiên Lãng giao đất 14 năm là sai quy định vì đất nông nghiệp phải giao 20 năm. Ông giải thích gì về vấn đề này?

- Đất của chúng tôi là đất bãi bồi ven biển và đây là khu vực huyện được thành phố phê duyệt dự án di dân kinh tế mới Vinh Quang 2. Do vậy, theo các lãnh đạo thời kỳ bấy giờ, xác định chỉ giao 14 năm để đảm bảo quy hoạch chung về sử dụng các vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển.

Ảnh: Nguyễn Hưng.

Lý giải về việc nhà ông Vươn bị phá, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền cho rằng, đây là nơi các tay súng ẩn nấp để gây án nên phải đập bỏ. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Người dân phải đổ mồ hôi, nước mắt để cải tạo vùng bãi bồi thành mảnh đất màu mỡ như hiện nay nhưng huyện thu lại để cho thuê mà không bồi thường khiến người dân đặt câu hỏi về sự công bằng đối với gia đình ông Vươn. Quan điểm của ông ra sao?

- Nếu cứ hiểu và nghĩ như mọi người rằng cứ giao đất và khi thu hồi sẽ phải bồi thường, trả công cho người đó thì đơn giản quá. Khi đề nghị với huyện được giao đất từ năm 1993, ông Vươn đã phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng bãi bồi ven sông, ven biển của huyện và đồng tình với việc giao 14 năm.

Năm 1993-2000, ông Vươn không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nào đối với nhà nước và được hưởng toàn bộ hoa lợi từ diện tích đất. Đấy là thời gian ông Vươn được bù đắp lại công sức, mồ hôi để thực hiện việc khoanh vùng, đắp đập. Năm 2000-2007, ông Vươn cũng chỉ đóng khoản thuế nhất định cho nhà nước. Và từ năm 2007, dù hết hạn sử dụng đất nhưng ông Vươn không thực hiện nghĩa vụ tài chính nào.

Có rất nhiều chương trình, dự án liên quan đến khu đầm của ông Vươn và Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng vào đó. Như đường công vụ từ cống Rộc chạy thẳng xuống biển (gần như bảo vệ cho khu đầm của ông Vươn) hoàn toàn tiền của Nhà nước. Rồi dự án Vinh Quang 2, dự án nuôi tôm xuất khẩu của Tổng hội thanh niên ông Vươn được hưởng lợi hàng tỷ đồng chứ không phải ít. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan thuế, ông Vươn chỉ đóng góp cho nhà nước 50 triệu đồng, vẫn còn nợ thuế hơn 10 triệu đồng.

Ảnh: Nguyễn Hưng.

Vết xích xe ủi vẫn còn hằn lại trên con đường dẫn vào khu nhà của gia đình ông Vươn vài ngày sau khi nhà bị phá hủy. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại, sau vụ cưỡng chế, dân bất bình nên phá nhà ông Vươn. Ảnh:Nguyễn Hưng.

- Việc cưỡng chế đã gặp phải sự phản đối gây hậu quả nghiêm trọng. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Việc cưỡng chế đã được thực hiện và có những vấn đề đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi cực lực lên án hành động côn đồ, quá manh động, chống người thi hành công vụ và đặc biệt việc thực hiện đã có kế hoạch, có tổ chức và đã sử dụng vũ khí nóng, với âm mưu giết người. Mặc dù đoàn cưỡng chế có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để cảnh giác các tình huống có thể xảy ra, nhưng với hành động tàn bạo của những người chống đối đã làm 6 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cưỡng chế bị thương.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những kẻ côn đồ chống người thi hành công vụ, và đồng thời có cơ chế, chính sách động viên kịp thời những cán bộ, chiến sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

- Người dân không hài lòng với cách hành xử của chính quyền và nói rằng chính quyền đã phá nhà, tài sản của ông Vươn. Tuy nhiên, lại có ý kiến chính người dân địa phương phá. Vậy chính xác ai đã phá nhà ông Vươn?

- Đấy chỉ là số ít người dân hiểu chưa đầy đủ về việc này. Tôi khẳng định rằng đoàn cưỡng chế không có một lệnh nào và không có một ai tham gia việc phá nhà dân. Còn việc nhà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, đồng thời nó là khu vực gây án nên việc phá hay thế nào thì đã có cơ quan chức năng làm rõ.

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhìn nhận về việc giải tỏa cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

Tiến Dũng ghi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,483

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn