21/12/2011 08:40 AM

- Với đồng lương thua xa mặt bằng xã hội thì làm sao lãnh đạo tỉnh, bộ ngành trong sạch được - GS Nguyễn Thị Cành, Trưởng bộ môn kinh tế - ngân hàng ĐH Quốc gia TP.HCM nói.


Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/12 tại TP.HCM hội thảo định hướng cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020, với sự tham dự của đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Ban Tổ chức tỉnh, thành ủy 19 tỉnh thành phía Nam.

Tăng lương, chất lượng công chức có tăng?

Chuyên gia dự án hỗ trợ cải cách hành chính TP.HCM Diệp Văn Sơn


Theo Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường, đề án cải cách nêu mục tiêu nâng mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức (CBCC), từng bước đảm bảo mức sống tối thiểu của CBCC và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động... Tiến tới tiền lương (gồm cả phụ cấp) của CBCC đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động, để giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng tình việc tăng lương tối thiểu, song Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước Trần Thị Ánh Tuyết lưu ý việc điều chỉnh mức lương và thang bảng lương phải phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội và chất lượng đội ngũ công chức hiện nay.   

Chuyên gia dự án hỗ trợ cải cách hành chính TP.HCM Diệp Văn Sơn cũng đồng tình với nội dung tăng mức lương tối thiểu và "bỏ phiếu" cho phương án 2 (mức 1,680 triệu đồng).

Theo ông Sơn, mức lương quá thấp như hiện nay sẽ dẫn tới hội chứng "tước đoạt để bù đắp tiền lương" trong thực thi công vụ (tham nhũng, tiêu cực") của CBCC, hay nói cách khác là "làm khó để ló ra tiền".   

Lý giải sâu hơn, ông Sơn cho rằng chưa thể trả lương cao cho CBCC trong điều kiện còn tồn tại hệ thống tổ chức hành chính như hiện nay (chồng chéo về công vụ giữa các cấp ngành, tạo nên tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, vừa kém hiệu quả) nếu trả lương cao không tương xứng giữa công vụ tạo ra gánh nặng ngân sách phải trả.

"Điều kiện trước tiên để trả lương cho CB-CC cao hơn mức thu nhập trung bình của lao động xã hội, cần phải cải cách bộ máy hành chính Nhà nước" - ông Sơn nhận định.    

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thừa nhận chất lượng CBCC chưa tương xứng với tốc độ tăng lương hiện nay.

"Nếu chúng ta cứ đưa vấn đề tiền lương ra thế này, nâng cao mấy chục phần trăm, thậm chí gấp đôi, gấp ba, trong khi chất lượng đội ngũ như thế này là một vấn đề. Có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định phần cứng, phần mềm. Phần cứng 70% trả như nhau, còn 30 % phần mềm còn lại cho những công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, tiêu chí "hoàn thành tốt nhiệm vụ" cũng còn phải bàn" - ông Thăng nói.       

Làm sao trong sạch?

Nhìn nhận việc tăng lương tối thiểu dưới góc độ tài chính, GS Nguyễn Thị Cành, Trưởng bộ môn kinh tế - ngân hàng ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng cần biệt đối tượng hưởng lương, thứ nhất 100% theo quan hệ cung - cầu là đối tượng nào. Thứ hai là loại xác định theo cơ chế thị trường bao nhiêu % và cuối cùng là loại không theo thị trường, hoàn toàn ăn lương nhà nước.  

"Ví dụ tôi là công chức trong trường ĐH, thu nhập của tôi không phải từ lương, mặc dù lương tôi cao nhất hiện nay cũng chỉ là 6 triệu, khoản ngoài lương của tôi thì rất lớn, tôi phải đóng thuế rất nhiều. Ngoài xã hội có nhiều người như tôi, vậy sao ta chúng ta không trung thực với chính mình" - vị giáo sư phân tích.    

GS Nguyễn Thị Cành


Theo bà, lương tối thiểu có thể áp dụng một mức chung cho các khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp. Việc chia theo vùng như hiện nay sẽ rất phức tạp, nên có mức chung, sau đó điều chỉnh giá sinh hoạt, hệ số điều chỉnh tùy thuộc vào từng vùng, ví dụ TP.HCM có mức sống hoạt cao hơn các tỉnh khác...

Ngoài ra, cần lưu ý đến mức trượt giá; dù thang lương có dãn ra, hệ số lương có cao lên mà trượt giá cao, không điều chỉnh thì cũng không ý nghĩa. Ví dụ lạm phát là 15%, thì lương phải điều chỉnh bao nhiêu để phù hợp với mức lạm phát này.

Cũng theo giáo sư Cành, lương Chủ tịch nước, bộ trưởng, thứ trưởng... hiện nay là quá thấp.  

"Theo tôi, cải cách bộ máy nhà nước, phải nâng lương cho những người lãnh đạo trước. Bởi lẽ tại một số quốc gia, trừ việc sử dụng một số như nhà công, xe công... còn tất cả đều quy vào lương. Nếu đưa vào lương như vậy thì hệ số lương của lãnh đạo sẽ rất là cao. Hiện nay mức cao nhất ở Việt Nam là 15,1 (tương đương hơn 12 triệu đồng) tôi nghĩ vẫn là thấp. Nhiều nhà giáo, nghiên cứu, ăn lương ngoài vài ngàn USD là chuyện bình thường, còn lãnh đạo được bao nhiêu?”.

Quan điểm của bà Cành là lương lãnh đạo phải được trả xứng đáng: từ cấp tỉnh đến cấp TƯ, cấp bộ, ngành... “Với đồng lương thua xa mặt bằng xã hội hiện nay thì sao họ làm tốt được, làm sao trong sạch được" - bà Cành nhìn nhận. 

Lương tối thiểu sau 2013 cao nhất 3,1 triệu đồng

Theo đề án, hiện nay mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp, gồm 4 mức: 2.000.000 đồng - 1.780.000 đồng  1.550.000 đồng - 1.400.000 đồng/tháng tương ứng với 4 vùng I-II-III-IV.

Mức lương tối thiểu của CBCC giai đoạn 2013- 2020 có 3 phương án: bằng mức tối thiểu vùng 1, khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng); bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp (1,680 triệu đồng) và căn cứ nhu cầu của bản thân người lao động, bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (3,150 triệu đồng).    


T.Thiện  

   

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,106

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn