19/12/2011 08:18 AM

- Nhiều độc giả gửi tới diễn đàn cải cách lương đề xuất tăng lương lãnh đạo trước, bởi khi lãnh đạo sống tốt với các khoản thu nhập chính đáng, thì mọi cải cách tiếp theo đó mới dễ dàng được thực thi và đi vào cuộc sống.

Sao cứ luẩn quẩn?

Nhiều ý kiến tham gia diễn đàn cải cách lương tuần qua phàn nàn tình trạng bất công về phân phối lợi ích trong các cơ quan nhà nước, điển hình là chuyện xếp loại, đánh giá khen thưởng cuối năm.

Độc giả Nguyễn Bách (thienthe_na@...) cho rằng, việc đánh giá công chức hiện nay cũng bình quân chủ nghĩa giống như chính sách khen thưởng cuối năm. "Người làm việc tận tâm, hiệu quả nhưng khi đưa ra bình xét khen thưởng đâu mấy ai được. Còn những kẻ chỉ cần biết im lặng lấy lòng là cứ 100% phiếu. Chưa nói đến lãnh đạo có công minh không nữa? Cơ chế mình khi nào lãnh đạo cũng xuất sắc cả", bạn Bách kết luận.

Bạn Như Thành (MrLamkinh@...) đưa ra góc nhìn khác: thực tế chưa thể cải cách là do bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả.

Bạn Thành dẫn chứng: Bộ phận của tôi chỉ cần 4 - 5 người biết làm việc thôi và phải làm được nhiều việc hơn mức yêu cầu nhưng rồi cơ quan vẫn bố trí tới 9 người mà chủ yếu là những người không biết làm việc.

Ảnh: Bình Minh

"Thành thử những người này sáng đến chiều chủ yếu ngồi chơi, hết giờ là về. Còn cách đánh giá bổ nhiệm thì vô cùng tồi tệ. Lãnh đạo lo "quan hệ đối ngoại" để giữ ghế. Cuối năm đánh giá thi đua khen thưởng gần như thích ai thì khen người đó. Một điều tệ hại nhất là những người chẳng biết làm gì lại thường dễ được khen vì chẳng có gì để chê hoặc cũng chẳng có gì để sai hỏng. Còn nếu ai muốn làm lãnh đạo chịu khó luồn cúi, chạy chọt thì trước sau gì cũng được giữ chức nào đó. Có phòng 5 người mà có tới 1 trưởng phòng, 2 phó phòng có khi thấy vẫn thiếu", bạn Thành phàn nàn.

Nhiều độc giả cũng chỉ ra thực tế, do nể nang, bè phái nên không ít lãnh đạo tìm cách tạo cơ hội cho thân tín của mình đi kiếm chác thêm "phần mềm" để còn được chia lộc.

Độc giả Nguyễn Đông ở địa chỉ thanhdonggd_bq@... nêu một nghịch lý,  ai cũng hiểu làm nhiều, hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. 

"Sao cải cách lương cứ luẩn quẩn? Sao không để cho cơ sở tự chủ trong cách trả lương. Hình như trung ương sợ cấp cơ sở thiếu hiểu biết, không biết làm hoặc cố tình làm sai. Cứ thang bảng lương, người công tác lâu bậc lương cao hưởng nhiều, người mới vào làm hưởng ít không cần biết họ làm ăn thế nào là rất vô lí. Không thúc đẩy cho phát triển".

Cài cách lương lãnh đạo

"Hãy cải cách biên chế trước, khoan đề cập chuyện lương vội" là ý kiến của bạn tranhai (thetransporter.86@...).

Theo bạn, trước khi nói chuyện lương hãy nhìn vào biên chế và yếu tố con người. Độc giả này cho rằng, khó cải cách lương trong bối cảnh bộ máy công quyền vẫn được xem là nơi giải quyết chế độ cho các "con em".

Tuy nhiên, theo bạn Thanh Sơn (thanhson_b1lt1@...), để tinh gọn được bộ máy thì cần có thời gian và quyết tâm. Đặc biệt là cái tầm của người lãnh đạo cơ quan.

Thay đổi phải đến từ chính đội ngũ lãnh đạo cơ quan cũng là ý kiến của nhiều độc giả khác.

Theo bạn Khoa (mactukhoa@...), vẫn kêu gọi trả lương theo vị trí công việc nhưng thực tế, việc đánh giá hiệu quả hiện nay lại chỉ phụ thuộc vào chính ý chí chủ quan của các "sếp" chứ không có khối lượng, đong đếm cụ thể. "Vì vậy tôi đề nghị trước hết hãy sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo theo hướng: có thực tài, có đức độ, công minh và vì đất nước", độc giả Khoa viết.

Nhiều độc giả khác cho rằng, người đứng đầu các cơ quan phải công tâm trong đánh giá công việc, phải giao việc đến từng cá nhân. Như vậy mới mong cải cách phần nào tình trạng trì trệ, bảo thủ hiện nay.

Bạn  Nguyễn Xuân Hải (nguyenxuanhai2003@...) đề xuất, cần có tìm hiểu, thống kê ở các doanh nghiệp tốt và có cạnh tranh về lương trong khu vực - tỉnh - thành cho các nhân viên mà trách nhiệm, nhiệm vụ cũng tương đồng với các vai trò của cán bộ, công chức. Từ đó lựa chọn một tỉ lệ thích hợp.

Độc giả Hoàng Linh (linhlinh010176@...) nêu sáng kiến, trước hết hãy tăng lương, tăng thu nhập chân chính cho lãnh đạo các cấp từ trên xuống dưới, các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội. Lương giữa các vị trí, cấp bậc phải có sự khác biệt rất rõ ràng. Nếu tham nhũng, làm thất thoát thì phải xử lý tương xứng.

Việc tăng lương cho đội ngũ lãnh đạo nòng cốt cũng là giải pháp mà nhiều độc giả tán thành. Bởi, khi lãnh đạo sống tốt với các khoản thu nhập chính đáng, sẽ mở đường cho cải cách tiếp theo đó được thực thi và đi vào cuộc sống.

Ngọc Lê

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,308

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn