Bổ sung nhiều dòng hàng mới vào Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017

16/06/2017 10:04 AM

Dự thảo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản AHTN 2017 (dự thảo Danh mục) hiện đang được Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6/2017 để áp dụng từ ngày 1-1-2018.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Theo đại diện Cục Thuế XNK, tại dự thảo Danh mục sẽ có nhiều dòng hàng được bổ sung, chi tiết hoặc thay thế  để cập nhật các thay đổi về công nghệ, tạo thuận lợi trong trao đổi thương mại quốc tế, thực hiện các hiệp ước, công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, quản lý hóa chất độc hại cần kiểm soát....

Theo đại diện Cục Thuế XNK, đơn vị chủ trì xây dựng, dự thảo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam gồm 21 Phần, 97 Chương, 1.039 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.859 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số, tuân thủ hoàn toàn theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan Thế giới và Danh mục AHTN 2017 của ASEAN. Dự thảo Danh mục mới tăng 1.255 dòng hàng so với Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 (Danh mục hiện hành).

Trong số 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số của dự thảo Danh mục, có 2.321 dòng hàng có mô tả mới so với Danh mục ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC do tách mã, chuyển mã hoặc mở dòng nhằm chi tiết hóa mô tả của các nhóm hàng hoặc để cập nhật các thay đổi về công nghệ, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường phù hợp với tình hình thực tế...

Được biết, để xây dựng dự thảo Danh mục này, Ban chỉ đạo và Tổ triển khai xây dựng Danh mục đã phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát để chuyển đổi ngôn ngữ của 2.321 dòng hàng mới sang tiếng Việt, đảm bảo phù hợp với thuật ngữ chuyên ngành, một số dòng hàng được bổ sung thêm chú thích cuối chương như Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam, ý kiến của bộ ngành, Chú giải bổ sung SEN để thuận tiện tham khảo khi phân loại hàng hóa, áp dụng Danh mục. Những thay đổi so với Danh mục 103/2015/TT-BTC tập trung vào một số nhóm ngành gồm ô tô, thủy sản, gỗ, hóa chất, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị.

Ngành hàng ô tô

Ngành hàng ô tô là một trong những ngành hàng có sự thay đổi đáng kể trong dự thảo Danh mục lần này. Với mục tiêu phù hợp với sự phát triển công nghệ và thương mại quốc tế, Tổ chức Hải quan thế giới đã cấu trúc lại việc chi tiết hàng hóa của ngành ô tô, đặc biệt là nhóm 87.02 và 87.03. Theo đó, trước đây các nhóm hàng ô tô chỉ chi tiết cho loại ô tô chạy dầu, ô tô chạy xăng và ô tô loại khác, tuy nhiên trên thực tế hiện nay ngành ô tô đã phát triển nhiều chủng loại xe mới, đa dạng về thiết kế và tính năng, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường... Cụ thể, nhóm 87.02 là nhóm ô tô chở 10 người trở lên, trước đây chỉ chi tiết 2 loại là  ô tô chạy dầu và loại khác, nay được chi tiết thành 5 loại là ô tô chạy dầu, loại kết hợp dầu và điện, loại kết hợp xăng và điện, loại chạy điện và loại khác. Nhóm 87.03 là nhóm ô tô chở dưới 10 người và các loại xe khác được thiết kế để chở người, trước đây chi tiết thành 3 phân nhóm là ô tô chạy dầu, ô tô chạy xăng và ô tô khác. Theo Danh mục mới, nhóm 8703 được chi tiết lại thành tám phân nhóm là (i) ô tô chạy xăng, (ii) ô tô chạy dầu, (iii) loại kết hợp xăng và điện nhưng không nạp điện từ nguồn bên ngoài, (iv) loại kết hợp dầu và điện nhưng không nạp điện từ nguồn bên ngoài, (v) loại kết hợp xăng điện có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài, (vi) loại kết hợp dầu và điện có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài, (vii) loại chạy điện và (viii) loại khác.

Bên cạnh đó, một số dòng xe mới hiện nay có kim ngạch giao thương quốc tế cao cũng đã được chi tiết trong dự thảo Danh mục, đó là các loại Xe địa hình ATV (All-Terrain Vehicles),  Ô tô kiểu Sedan... Việc chi tiết thêm nhằm phản ánh đúng thực tế phát triển công nghệ của ngành công nghiệp ô tô, xu hướng tiêu dùng và mức độ giao dịch của một số dòng xe mới, tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại quốc tế trong lĩnh vực này.

Ngành hàng thủy sản

Theo đề nghị của Tổ chức FAO để tăng cường giám sát an toàn thực phẩm toàn cầu, một số mặt hàng cá đã được mô tả lại, bổ sung tên khoa học, các mặt hàng phụ phẩm ăn được của cá sẽ được gom lại thành một phân nhóm để dễ kiểm soát (phân nhóm 0302.9x và 0303.9x), đồng thời bổ sung tên chi tiết một số loài cá vào các phân nhóm... Ngoài ra, một số loại cá có kim ngạch thương mại cao, chưa được chi tiết trong Danh mục hiện hành, thì nay đã được bổ sung trong dự thảo Danh mục mới. Đa số các dòng hàng mới này được minh hoạ chi tiết tại Chú giải bổ sung SEN và có chú thích tên khoa học để tránh nhầm lẫn trong việc phân loại. Các nội dung thay đổi này nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như xây dựng các chính sách quản lý, bảo hộ sản xuất trong nước. Những dòng hàng phụ phẩm của cá được gom lại cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai báo, làm thủ tục hải quan...

Ngành hàng thuốc trừ côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ

Để thực hiện Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế, Chú giải pháp lý phân nhóm 1 cho phân nhóm 3808.50 (của Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC) đã được mở rộng một số tên hóa chất phải quản lý là alarchlor, aldicarb... Đồng thời bổ sung chú giải pháp lý cho các phân nhóm từ 3808.61 đến 3808.69 của Danh mục theo phiên bản AHTN 2017 cho một số hóa chất dùng trong phòng chống sốt rét; bổ sung phân nhóm mới là 3808.52 cho mặt hàng DDT dùng làm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ nấm; mở thêm phân nhóm 3808.6x cho các mặt hàng hóa chất có chứa các chất dùng chống sốt rét và chia thành các phân nhóm mới 3808.61, 3808.62, 3808.69 theo trọng lượng đóng gói. Đây là ngành hàng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, do vậy việc chi tiết các mặt hàng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh là phù hợp, tạo thuận lợi cho việc xây dựng các danh mục hàng hóa chuyên ngành để kiểm tra, kiểm soát, là cơ sở để xây dựng các chính sách ưu tiên cho các mặt hàng thân thiện với môi trường.

Ngành hàng gỗ

Tại Chú giải pháp lý phân nhóm 2 Chương 44 của Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC, khái niệm “gỗ nhiệt đới” liệt kê một số loài gỗ nhiệt đới cụ thể. Tuy nhiên, theo đề nghị của tổ chức Thương thực Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), khái niệm “gỗ nhiệt đới” đã bị xóa bỏ trong phiên bản 2017. Do đó, khái niệm “gỗ nhiệt đới” được mở rộng, không chỉ bao gồm một số loài cụ thể như phiên bản 2012, đồng thời, một số loài gỗ nhiệt đới và kích thước gỗ được chi tiết thêm tại Danh mục phiên bản 2017 để phản ánh kim ngạch thương mại toàn cầu cao. Trong các năm gần đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng về năng lực, giá trị sản xuất lẫn thị trường xuất khẩu. Việc mở rộng khái niệm gỗ nhiệt đới và chi tiết tên các loại gỗ nhiệt đới có giao dịch thương mại lớn sẽ tạo thuận lợi trong thương mại quốc tế đối với các mặt hàng này.

Ngành cao su

Ngành hàng cao su về cơ bản không có nhiều thay đổi, dự thảo Danh mục chi tiết cho 207 dòng hàng của ngành cao su, trong đó có 175 dòng hàng giữ nguyên như Danh mục hiện hành, 12 dòng hàng gộp, và 20 dòng hàng tách mới. Một trong các nhóm có thay đổi là nhóm hàng 40.11, các loại lốp bơm hơi băng cao su, chưa qua sử dụng, trước đây cấu trúc theo hình dáng của hoa lốp đó là loại có hoa lốp chữ chi hoặc tương tự và loại khác, hiện nay đã được cơ cấu lại mục đích sử dụng.

Trong số 12 dòng hàng gộp thuộc phân nhóm 4011.90 “loại khác” được điều chỉnh mô tả và gộp từ các mã hàng tương ứng theo kết cấu và được chi tiết theo 4 loại: lốp dùng cho xe thuộc Chương 87 (trừ lốp sử dụng cho xe con, xe buýt, ô tô vận tải, máy bay, mô tô, xe đạp); lốp dùng cho máy móc, thiết bị thuộc nhóm 84.29 và 84.30; lốp khác có kích thước trên 450mm; loại khác (không bao gồm 3 loại trên).

Ngành dệt may

Ngành này gồm 224 dòng hàng mới được chi tiết để cập nhật một số sản phẩm may mặc có đặc tính mới hoặc để đảm bảo chi tiết phân loại mặt hàng và chính sách quản lý của một số nước ASEAN, đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. Ví dụ: chi tiết thêm 28 dòng hàng “Được in bằng phương pháp batik truyền thống”; chi tiết thêm các dòng hàng về các vật liệu khác nhau như bổ sung 2 dòng hàng “Từ lanh”, 3 dòng hàng “Từ vải không dệt”, 13 dòng hàng “từ tơ tằm”... chi tiết thêm các mặt hàng có đặc tính mới, ví dụ, dòng hàng 6005.35.00 “Những loại vải được chi tiết trong Chú giải phân nhóm 1 Chương 60 (vải tẩm hoặc phủ một số chất có tác dụng chống sốt rét)” hay dòng hàng 6304.20.00 “Màn ngủ được chi tiết tại Chú giải Phân nhóm 1 Chương 63 (làm từ vải ngâm tẩm hoặc phủ một số chất có tác dụng chống sốt rét)”...

Nhóm sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ

Tại Danh mục 103/2015/TT-BTC, các sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ thuộc nhóm 69.07 và nhóm 69.08. Để cập nhật nhu cầu thay đổi của nền công nghiệp gốm sứ, tại phiên bản 2017, hai nhóm 69.07 và 69.08 được gộp thành một nhóm là 69.07, trong đó không phân biệt loại “đã tráng men” hay “không tráng men” và được cấu trúc lại theo tiêu chí kích thước, độ thấm nước của sản phẩm. Ngoài ra, nhóm 69.07 bổ sung thêm mặt hàng mới là “finishing ceramics- các sản phẩm gốm, sứ để hoàn thiện” phù hợp với thực tế.

Thu Trang

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,082

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn