Nội dung Toạ đàm về khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH

09/05/2017 13:44 PM

Từ 15h ngày 8/5, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến về những vấn đề liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho quá trình khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

bảo hiểm xã hội

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Luật BHXH có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.

Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...

Về những vấn đề liên quan, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

Khách mời chương trình là các ông: Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thời gian tổ chức 15h thứ Hai ngày 8/5/2017 tại Cổng TTĐT Chính phủ, 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Đào Việt Ánh. Xin ông cho biết về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian qua và khả năng thu nợ? So sánh những con số này với trước thời điểm 1/1/2016 khi quyền khởi kiện chuyển sang các cấp công đoàn?

Ông Đào Việt Ánh: Về quyền về an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản, BHXH VN đặc biệt quan tâm đến phát triển đối tượng, thu nợ đóng, trốn đóng BHXH. Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH. Về nợ đóng BHXH, tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016 số nợ BHXH có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý 1/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

Tình hình nợ đọng BHXH tương đối phức tạp, số nợ hằng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng.

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp nào? Ông có thể nêu ra một số điển hình?

Ông Đào Việt Ánh: Hiện nay nợ đóng BHXH diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia BHXH. Theo thống kê của chúng tôi, nợ đọng BHXH tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I/2017, có nhiều doanh nghiệp phải tham gia, nợ BHXH tương đối dài. Đơn cử như Công ty CP xe khách Phương Trang (TP HCM) nợ 28 tỷ đồng, Cty TNHH Nam Phương (TP HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng… Trong số nợ đóng BHXH có 1.400 tỷ đồng là nợ BHXH kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 1.900 lao động tham gia BHXH.

Ông đánh giá như thế nào về những thông tin ông Ánh vừa cung cấp, đặc biệt là những con số. Đây chắc hẳn là “những con số biết nói”, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Qua con số này tình trạng nợ đóng BHXH tăng lên cho thấy tính cấp bách của nó càng ngày càng phức tạp. Rõ ràng chính sách của chúng ta là chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, người lao động và chủ sử dụng lao động cũng hiểu việc đóng BHXH không những là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động. Năm 2016 nợ đóng có xu hướng giảm đi, đầu năm 2017 tăng lên 14.000 tỷ đồng với gần 5% tổng số phải thu BHXH. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải tăng cường giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ BHXH trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ BHXH tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng.

Tổ chức công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Ông hãy cho biết thông tin chung về việc thực hiện quyền này của các tổ chức công đoàn cơ sở?

Ông Mai Đức Chính: Để thực hiện các quy định của Luật BHXH thì ngay từ giữa tháng 6 chúng tôi đã ban hành hướng dẫn về quy trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng BHXH và cũng đã tổ chức phối hợp với BHXH Việt Nam tập huấn 3 khu vực cho cán bộ công đoàn. Tiếp nữa, đã ký kết một chương trình liên tịch giữa BHXH với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về chia sẻ thông tin cũng như cung cấp hồ sơ, ký kết chương trình phối hợp với Tòa án tối cao hỗ trợ cho công tác khởi kiện. Tính đến hết tháng 1/2017, BHXH Việt Nam chuyển cho các cấp 1.177 hồ sơ , các liên đoàn lao động các địa phương tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ và đến hết giữa tháng 2/2017 đã có 11 liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 doanh nghiệp nợ BHXH. Do chúng tôi khởi kiện nên nhiều doanh nghiệp đã tự mang tiền đến nộp cơ quan BHXH. Việc khởi kiện đã đạt được thì chúng tôi rút hồ sơ. Hiện nay có 17 hồ sơ tòa án không thụ lý. Với lý do: không thuộc thẩm quyền giải quyết; đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết cấp chủ tịch UBND cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể ủy quyền cho tổ chức công đoàn; quan điểm của toàn án tối cao cho rằng hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm, khi đó chỉ xử phạt hành chính theo Luật Hành chính. Như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan BHXH mà Luật BHXH khi thanh tra thu thì phải xử lý, tức là nếu có quyết định thanh tra mà doanh nghiệp tiếp tục chây ì thì sẽ đưa ra thẩm quyền cấp cao hơn để xử lý về hành chính. Cuối cùng nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ì thì sẽ khởi tố vụ án theo Luật hình sự.

Khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế công tác này công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả và mang lợi kết quả như kỳ vọng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Công đoàn có chức năng khởi kiện nợ đóng BHXH cho tổ chức công đoàn, lúc đó chúng ta nghĩ rằng công đoàn đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên đây là sự không đồng bộ giữa hệ thống pháp luật. Nếu Điều 7 của Luật BHXH giao cho Công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về BHXH, thì trong Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta cũng phải quy định được khởi kiện. Vì pháp luật của chúng ta không đồng bộ dẫn đến tình trạng hiện nay pháp luật có quy định nhưng không thực thi được. Tôi cho rằng chúng ta phải xử lý bằng biện pháp khác. Việc chức năng thanh tra, có một phần quản lý nhà nước, thanh tra giao cho BHXH thì BHXH phải tận dụng công cụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sắp tới Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự thì điều 264 và điều 265 sẽ cho phép chúng ta xử lý hình sự các tội chiếm dụng và tội trốn đóng BHXH.Các giải pháp của chúng ta ngoài việc xử phạt , truy thu thì chúng ta cũng phải có hình thức xử phạt bổ sung chắc hiệu quả sẽ tốt hơn.

Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, Luật Tố tụng dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tiếp theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến. Quan điểm của các vị khách mời về sự bất cập này?

Ông Đào Việt Ánh: Như Phó chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của Quốc hội đã trả lời, hiện nay không có sự đồng bộ giữa Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự, thậm chí cả Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Về phía cơ quan BHXH của chúng tôi thấy thời gian qua việc khởi kiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ kinh nghiệm của BHXH Việt Nam triển khai khởi kiện trong thời gian qua, trước khi triển khai giao cho công đoàn khởi kiện, thì BHXH Việt Nam khởi kiện 8.000 vụ , tòa xử lý gần 4.000 vụ, đã thu hồi gần 9.800 tỷ đồng, qua đó người lao động được hưởng quyền lợi. Chúng tôi rất mong muốn việc khởi kiện tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong muốn Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự trong đó quy định vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH có tính răn đe, như xử tù đến 7 năm và phạt tiền tới 13 tỷ đồng.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật BHXH bắt đầu quy định từ 1/6 là có hiệu lực, trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực sau, Bộ luật Hình sự có hiệu lực nhưng dừng lại, hiện bây giờ đang chờ Quốc hội thông qua. Điều mà chúng ta mong muốn tháo gỡ là Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ để cho Công đoàn và BHXH đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao giải pháp trước mắt để xử lý. Bởi khi chưa quy định giao cho BHXH Việt Nam được khởi kiện ra tòa thì kết quả khởi kiện rất tốt và khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chuyển sang hồ sơ thì nhiều doanh nghiệp đã mang tiền đến nộp, hiệu quả của vấn đề khởi kiện rất tốt, cho nên chúng ta mong muốn phải có một cơ quan đứng ra khởi kiện. Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện hợp pháp cho quyền lợi của người lao động thì rõ ràng tổ chức công đoàn có thể đứng ra khởi kiện được và tòa án cũng muốn khi khởi kiện phải được ủy quyền của người lao động. Như vậy nếu chúng ta chờ ủy quyền của tất cả mấy ngàn người lao động thì rất mất thời gian. Nếu muốn tăng khoảng trống đó thì chúng ta nên giao cho công đoàn chức năng không phải công đoàn cơ sở nơi bị trốn đóng BHXH mà giao cho công đoàn cấp trên cơ sở. Một là chúng ta phải sửa Luật BHXH, hai là cho một cơ chế nào đó.

Ông Mai Đức Chính: Tôi nghĩ trước hết phải sửa luật đã. Hiện nay, văn bản mới nhất của Tòa án nhân dân Tối cao gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng có yêu cầu nếu không tháo gỡ vướng mắc được thì BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH phải đề xuất sửa Luật Bảo hiểm. Trong sửa lần này phải nói rõ công đoàn cấp nào, chứ không nêu công đoàn chung chung. Theo chúng tôi, chỉ có công đoàn cấp trên mới đủ khả năng để đứng ra khởi kiện. Lúc đó, công đoàn cấp trên không cần phải theo ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc người lao động. Tức là giống như hồi xưa BHXH khởi kiện như thế nào thì công đoàn cấp trên làm như vậy, nhưng hồ sơ, thông tin thì BHXH chuẩn bị và cung cấp. Công đoàn cấp trên đứng ra ký đơn và cùng BHXH VN khởi kiện

Có nhiều hồ sơ bị tòa án trả lại do không đúng thủ tục. Ông có thể thông tin rõ hơn về việc này?

Ông Mai Đức Chính: Thực ra là không phải hồ sơ không đúng mà tòa án cho rằng theo quy định của pháp luật hành vi trốn nợ BHXH là hành vi bị nghiêm cấm mà nghiêm cấm thì phải xử theo Luật Vi phạm hành chính chứ không phải là con đường khởi kiện vì vậy người ta không thụ lý.

Thưa ông Đào Việt Ánh , BHXH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ký quy chế phối hợp cung cấp thông tin về doanh nghiệp trốn nợ bảo hiểm, vậy việc tòa án trả hồ sơ thì trách nhiệm thuộc về khâu nào?

Ông Đào Việt Ánh: BHXH việt Nam và Tổng Liên đoàn có sự phối hợp rất tốt trong thực hiện quy chế này. Tôi xin cập nhật con số mới nhất là hiện chúng tôi đã cung cấp gần 1887 hồ sơ nợ đóng BHXH để công đoàn khởi kiện. Liên đoàn lao động các tỉnh đã nộp 82 hồ sơ và tòa đã có 2 quyết định hòa giải với số tiền hòa giả là 120 triệu đồng. Khi chúng tôi chuẩn bị khởi kiện thôi nhưng đã có nhiều doanh nghiệp tự nguyện nộp tiền nợ đọng với tổng số tiền 260 tỷ đồng. Khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định phải là công đoàn cơ sở khởi kiện với sự ủy quyền của người lao động mà người lao động nhiều khi ngại làm việc này. Đây là vướng mắc lớn nhất hiện nay.

Thưa ông Bùi Sĩ Lợi, ý kiến của ông thế nào về vướng mắc lớn nhất trong vấn đề khởi kiện nợ đọng BHXH?

Ông Bùi Sĩ Lợi: Luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự ủy quyền của tất cả người lao động nhưng vì công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và ăn lương của doanh nghiệp nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện chính giám đốc doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện ông chủ người ta. Vấn đề là chúng ta phải có cơ chế khởi kiện để không liên quan đến chủ tịch công đoàn cơ sở. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì công đoàn cấp trên cơ sở được quyền can thiệp hỗ trợ và tư vấn cho công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, như vậy họ hoàn toàn có thể đứng ra khởi kiện thay cho tổ chức công đoàn cơ sở đó mà không trái với các quy định của pháp luật. Theo tôi còn số nợ đọng BHXH lên đến 14 nghìn tỷ như hiện nay là rất đáng báo động.

Ông Mai Đức Chính: Tôi muốn bổ sung thêm ý của ông Lợi, là theo quy định của pháp luật thì công đoàn cơ sở hoàn toàn có thể được khởi kiện khi có sự ủy quyền của người lao động nhưng thực tiến thì chủ tịch công doàn cơ sở rất khó làm việc này. Vấn đề thứ 2 nữa là vấn đề ủy quyền cũng không phải đơn giản. Hiện nay theo quy định thì người lao động muốn ủy quyền thì phải từng người một cùng với chủ tịch công đoàn ra Ủy ban nhân dân xã phường hoặc phòng công chứng làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/người. Như vậy đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn lao động thì việc này hết sức phức tạp. Và khi có ủy quyền rồi thì vì đây không phải là tranh chấp tập thể mà là tranh chấp cá nhân nên tòa án phải thụ lý cho từng vụ một. Đây là điều bất khả thi, thực tế tôi đã từng tham gia khởi kiện cho 29 lao động một doanh nghiệp thôi mà phải mất 3 năm. Ngay vừa rồi thôi một công đoàn ở huyện Củ Chi khởi kiện doanh nghiệp để đòi được 4 tỷ đồng cũng phải mất hơn 4 năm trời do quy trình ủy quyền ra tòa án rất nhiêu khê.

Vậy ông có đề xuất gì để tháo gỡ không?

Ông Mai Đức Chính: Theo tôi thì phải sửa Luật Bảo hiểm và quy định rõ công đoàn cấp trên cùng với BHXH Việt Nam được quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có sự ủy quyền của người lao động. Chỉ khi nào có sự tranh chấp cá nhân giữa lao động với chủ doanh nghiệp hay cơ quan bảo hiểm thì có thể ủy quyền cá nhân nhưng trường hợp đó không nhiều.

Để triển khai chính sách trong thực tiễn, yếu tố nhân lực là rất quan trọng. Tuy nhiên, có ý kiến bạn đọc quan tâm đến buổi Tọa đàm hôm nay vừa gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho rằng năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng…Ông đánh giá ra sao về thực tế này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi được giao nhiệm vụ thì tổ chức công đoàn sẽ có công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện để có thể thực hiện chức năng này. Khi bắt tay vào thực hiện, có thể có một bộ phận chưa đáp ứng kịp nhưng họ sẽ làm được vì việc khởi kiện này là một thủ tục hành chính không liên quan đến kĩ thuật khó.

Ông Mai Đức Chính: Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có 97% là cán bộ kinh nghiệm. Bản thân những người cán bộ công đoàn muốn đi khởi kiện thì phải am hiểu về pháp luật, nắm rõ quy trình khởi kiện. Trong thực tiễn hiện nay, có thể có một số cán bộ công đoàn chưa đáp ứng đủ về năng lực nhưng chúng tôi đã có các trung tâm tư vấn tổ chức công đoàn, các câu lạc bộ luật sư để hỗ trợ xử lý khởi kiện.

Theo Luật BHXH 2014, Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH. Vậy chức năng này được thực hiện thời gian qua ra sao, đem lại hiệu quả thiết thực gì trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động?

Ông Đào Việt Ánh: Triển khai quy định của luật, chúng tôi đã hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý. Đây là một chức năng rất mới, ngay sau khi luật ban hành, chúng tôi đã phối hợp với thanh tra Chính phủ để tổ chức đào tạo cho cán bộ làm công tác thanh tra. Hiện tại, chúng tôi đã đào tạo hơn 1.000 cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; khoảng 145 cán bộ làm trưởng đoàn thanh tra.Vấn đề đào tạo nhân lực luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Bắt đầu thực hiện từ 1/6/2016, sau hơn một năm triển khai kết quả ban đầu đem lại tương đối tốt: chúng tôi đã thực hiện hơn 1000 cuộc thanh tra chuyên ngành từ trung ương xuống địa phương. Từ đó, chúng tôi đã kiến nghị thu hồi được hơn 300 tỷ đồng và 45.000 người lao động thông qua đó được đóng BHXH đầy đủ hơn. Kết quả này được đánh giá là tương đối tốt trong thời gian đầu triển khai.

Một hướng đề xuất nữa đề giải quyết vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH là Cơ quan BHXH sẽ vừa thanh tra thu vừa có quyền khởi kiện doanh nghiệp. Để thực hiện theo hướng này thì hoặc phải sửa Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự. Như vậy mới thúc đẩy quá trình thu hồi nợ tích cực, nhanh chóng. Quan điểm của các vị khách mời ra sao?

Ông Mai Đức Chính: Trong cuộc họp giữa Tòa án nhân dân Tối cao với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp và BHXH Việt Nam, đồng chí Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa một giải pháp: vì quỹ BHXH hiện nay do nhà nước quản lý lên hàng trăm ngàn tỷ đồng thì BHXH Việt Nam cũng phải được giao quyền quản lý, trách nhiệm bảo tồn phát triển và thu hồi. Vì BHXH Việt Nam có cả 2 chức năng là chức năng nhà nước (trong đó có chức năng thanh tra thu) và chức năng của một đơn vị sự nghiệp quản lý một nguồn ngân quỹ rất lớn. Muốn thực hiện đề xuất trên, chắc chắn chúng ta phải sửa Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự.

Ông Bùi Sĩ Lợi: Theo tôi, ý kiến trên không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý theo quy định của pháp luật. BHXH được giao thêm chức năng thanh tra tức là được giao thêm một phần chức năng quản lý nhà nước nên BHXH không thể thêm chức năng khởi kiện. Theo tôi, chúng ta nên giao chức năng khởi kiện cho tổ chức đại diện công đoàn cấp trên cơ sở. Nếu hệ thống thanh tra thu bảo hiểm xã hội bảo gồm cả thanh tra nhà nước về lao động của ngành lao động thương binh và xã hội, cộng với thanh tra của ngành BHXH. Bây giờ thêm tổ chức của người lao động là công đoàn đứng ra đại diện cho người lao động khởi kiện. Nhiều cơ quan cùng tập trung vào một nhiệm vụ chính trị thì vấn đề thu hồi nợ đọng có thể được xử lý tốt hơn.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hơn 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng do một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng hoặc đã phá sản. Phải làm sao với khoản “nợ xấu” này, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng tôi đã xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động, xin kiến nghị với Chính phủ một phương án giải quyết. Số nợ đọng này có giữ lại thì chỉ làm cho tỷ lệ nợ đọng của chúng ta cao lên mà không có khả năng thu hồi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Nếu không xử lý vấn đề này, hàng trăm nghìn người lao động của chúng ta không được xử lý quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Xuất phát từ tình hình đó, khi làm Luật BHXH, khoản 7 điều 10, chúng tôi đã ghi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ các trường hợp tồn đọng như thế này, với mục tiêu giải quyết quyền lợi cho người lao động./.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,768

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn