Đà Nẵng: Cho khách ngủ nhờ, chủ nhà bị buộc tội “bắt giữ người trái pháp luật”?

17/10/2016 10:10 AM

Được cơ quan điều tra và VKSND quận Thanh Khê xác định là người “bị bắt giữ trái pháp luật”, nhưng anh Huỳnh Văn Nam lại khẳng định điều đó không đúng sự thật và có đơn đề nghị trả tự do cho bị can.

Cho ngủ nhờ, nhưng anh Tuấn lại bị khởi tố về tội “Bắt giữ người trái phép”

Oái oăn chuyện cho ngủ nhờ, bị khởi tố

Ngày 28/4/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Thanh Khê đã khởi tố và bắt tạm giam đối với anh Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Bắt giữ người trái phép” đối với anh Huỳnh Văn Nam. Ngay sau đó một ngày, VKS quận này đã phê chuẩn việc khởi tố, bắt giam anh Tuấn để điều tra.

Sự việc bắt nguồn từ việc anh Nam vay tiền của anh Tuấn và chậm trả. Ngày 25/4/2016, anh Nam hẹn gặp anh Tuấn để thương lượng việc trả tiền và cả hai hẹn gặp tại một quán cà phê, với sự có mặt của một người bạn khác tên là Lâm. Tuy nhiên, khi câu chuyện còn chưa xong thì anh Lâm phải đi đám cưới, nên anh Nam và anh Tuấn rủ nhau về nhà anh Tuấn uống cà phê và tiếp tục đợi anh Lâm. Thậm chí, trưa hôm đó, vợ của anh Nam cũng có mặt tại nhà anh Tuấn cùng ăn trưa.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, Tuấn đưa bạn gái đi ăn tối còn anh Nam vẫn ở lại nhà anh Tuấn. Trong lúc đang ở ngoài, anh Tuấn nhận được điện thoại của gia đình báo có công an đến kiểm tra vì có người thông báo xảy ra việc “bắt giữ người trái phép” tại nhà anh Tuấn. Tuy nhiên, chính anh Nam là người có mặt tại đây và giải thích với lực lượng chức năng rằng, không có việc bắt giữ người trái phép. Do đó, lực lượng chức năng đã chấm dứt việc kiểm tra.

Tối hôm đó, anh Nam ở lại nhà anh Tuấn, với lý do đã được những người liên quan đến sự việc khai báo với CSĐT là anh Nam xin ngủ lại vì xảy ra mâu thuẫn với vợ. Hai vợ chồng anh Nam đã cãi nhau vì chuyện nợ nần của anh Nam. Tuy nhiên, việc anh Nam ngủ lại nhà anh Tuấn chính là lý do, căn cứ mà CSĐT khởi tố anh Tuấn về tội “Bắt giữ người trái phép”.

Theo ông Nguyễn Lê Thanh Toàn, bố đẻ anh Tuấn cho biết, sau khi anh Tuấn bị khởi tố, bắt giam thì ông đã tìm gặp anh Nam để hỏi về việc anh Nam có vay tiền của Tuấn và có bị anh Tuấn bắt giữ không. Anh Nam đã khẳng định là có vay tiền của anh Tuấn, nhưng hoàn toàn không có chuyện bị bắt giữ trái pháp luật.

Về sự việc này, anh Nam đã có đơn gửi CSĐT và VKS quận Thanh Khê khẳng định mình không hề bị anh Tuấn bắt giữ trái pháp luật. Việc ở lại nhà anh Tuấn là hoàn toàn tự nguyện và đề nghị đình chỉ vụ án đối với anh Tuấn.

Không chỉ có anh Nam khẳng định điều này, nhiều người sống xung quanh nhà anh Tuấn chứng kiến sự việc cũng khẳng định, anh Nam ở nhà anh Tuấn như một người khách bình thường. Bà Nguyễn Thị Vịnh, ông Dương Văn Tuấn là những hàng xóm của anh Tuấn đều xác nhận, ngày 25/4, khi ở nhà anh Tuấn, anh Nam vẫn sang hàng xóm của gia đình anh Tuấn chơi, nói chuyện và sinh hoạt như một người khách bình thường.

Những nghi vấn cần làm rõ

Tại sao sự việc chính “bị hại” và các nhân chứng xác định không có chuyện bắt giữ mà anh Tuấn vẫn không được xác định là vô tội và vẫn bị giam giữ? Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về vấn đề này, Luật sư Trần Việt Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận xét: Có thể trong vụ việc này, ngoài lời khai của anh Nam (người được xác định là bị hại) và anh Tuấn (bị can), CSĐT còn có các lời khai của những người khác, đặc biệt là người nhà của anh Nam, cho rằng anh Nam bị anh Tuấn bắt giữ để ép trả nợ nên mới tiếp tục theo đuổi vụ án. Tuy nhiên, dù lời khai của nhân chứng, bị can hay bị hại thì vụ việc cũng cần phải được làm rõ về mặt bản chất.

Theo đó, Luật sư Hùng phân tích, hành vi bắt giữ người trái pháp luật, về khách quan là các hành vi bắt, giữ, giam người khác, trực tiếp hạn chế quyền tự do đi lại của người bị bắt, giữ, giam. Việc xâm phạm quyền tự do đi lại của người khác có thể được thực hiện bằng vũ lực hoặc thủ đoạn khác, buộc người bị bắt, giữ ở lại một cách không tự nguyện. Nếu việc anh Nam ở lại nhà anh Tuấn là tự nguyện như anh Nam khẳng định, thì việc “ngủ nhờ” này không phải là tội phạm và việc khởi tố đối với chủ nhà là khởi tố sai.

Luật sư Ngô Trung Kiên (Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang) thì cho rằng, đối với tội danh “bắt giữ người trái pháp luật”, lời khai của bị hại rất quan trọng để đánh giá việc họ có thực sự bị bắt, giữ, giam hay việc họ lưu cư tại một địa điểm nào đó xuất phát từ các nguyên nhân khác. Khi bị hại khẳng định không bị “bắt giữ trái pháp luật” thì đây chính là hành động “kêu oan” cho bị can.

Vụ án này còn khiến cho gia đình anh Tuấn nghi ngờ về sự thiếu khách quan của CSĐT khi áp dụng pháp luật. Vì, tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, với hình phạt “khởi điểm” là cảnh cáo. Với tội danh này, theo quy định của BLTTHS thì không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Nhiều luật sư đánh giá, việc áp dụng biện pháp tạm giam tuỳ tiện, không theo quy định của pháp luật là cách mà các điều tra viên sử dụng như một biện pháp nghiệp vụ để “khuất phục” các bị can?

Đã gần nửa năm kể từ ngày vụ án được khởi tố, “chủ nhà cho ở nhờ” vẫn nằm ở trại tạm giam, còn người “ngủ nhờ” vẫn giữ nguyên quan điểm là không bị bắt giữ. Vụ án bắt giữ người trái pháp luật ở quận Thanh Khê đã trở thành một “kỳ án” mà người dân đang cần một câu trả lời khách quan từ phía các cơ quan pháp luật quận Thanh Khê và TP Đà Nẵng. 

Bình Minh

Theo Báo pháp luật Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,541

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn