Ràng buộc vô lý, nhiều người sang Singapore mở doanh nghiệp

27/07/2016 15:23 PM

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hiện nay nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh đang rối rắm về cách thức tiếp cận

bùi văn xuyên

ĐB BÙI VĂN XUYỀN ​(Thái Bình) - Ảnh: V.DŨNG

Dự án Luật biểu tình đã nhiều lần được Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự nhưng sau đó Chính phủ lại xin rút, gần đây nhất là xin lùi thời hạn Quốc hội cho ý kiến.

Luật biểu tình lùi đến bao giờ?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày: “Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.

nguyễn thị kim thúy

ĐB NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)

Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình”.

Giải thích của ông Định chưa thuyết phục được các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đòi hỏi: “Dự án Luật biểu tình không thể lùi vô thời hạn. Bao giờ có Luật biểu tình phải được trả lời rõ ràng để nhân dân biết”.

Dành phần lớn thời gian nói về Luật biểu tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phân tích: “Biểu tình cần được hiểu nghĩa rộng theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là tụ họp hòa bình, bao gồm: tụ họp (cho mục đích) văn hóa thể thao, du lịch; tụ họp để bày tỏ nhu cầu, chính kiến, nguyện vọng... Tính công khai và tập trung là hai đặc trưng chủ yếu của quyền này, không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của xã hội và đất nước”.

Đại biểu Nghĩa nói không có lý do gì mà không thể và không sớm làm luật để bảo đảm quyền tụ họp hòa bình của nhân dân, đề nghị đưa vào kỳ họp thứ 4 năm 2017 và thông qua vào kỳ họp 5 hoặc 6 vào năm 2018.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật này là gây khó cho Bộ Công an. “Tôi đề nghị giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ Công an chỉ tham gia phản biện” - ông Xuyền gợi ý.

Phải sang Singapore... mở doanh nghiệp

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hiện nay nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh đang trong tình trạng rối rắm về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông.

 “Luật nhà ở không thống nhất với Luật đất đai. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo. Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho. Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư bảo hậu kiểm, nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm.

Luật đầu tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành vẫn giao bộ ngành đẻ ra giấy phép. Luật doanh nghiệp nói doanh nghiệp không cần con dấu, luật chuyên ngành vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho cơ quan nhà nước” - ông Lộc chứng minh.

Liền sau đó, ông cũng chỉ ra có ít nhất 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng...

Đại biểu Lộc cho biết “mới xem xét trong phạm vi 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, luật chồng luật, bộ lấn địa phương, chính phủ làm thay doanh nghiệp... và thú thực so với ASEAN và quốc tế thì một số quy định của pháp luật ở ta chẳng giống ai.

Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao, buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh”.

Dự kiến sáng 29-7, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 
2016, 2017.

LÊ KIÊN

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,358

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn