04/11/2011 08:09 AM

Dư luận đang xôn xao về ý kiến đưa ra trong kỳ họp Quốc hội cho rằng cần xây dựng “luật Nhà văn”. PV Thanh Niên đã trao đổi với một số nhà văn về vấn đề này.

Nhà văn không khoái luật Nhà văn

Không cần thiết có một thứ luật riêng đối với các nhà văn

Theo tôi, các nhà văn sống như một công dân bình thường trong xã hội, do vậy họ cũng chịu sự điều chỉnh của mọi luật khác đối với công dân, ví dụ như nếu nhà văn sáng tác, in sách thì đã có luật Xuất bản, và các tác phẩm của họ đã được sự bảo vệ của luật Bản quyền... nên không cần thiết có một thứ luật riêng đối với các nhà văn. Sáng tác văn học mang tính đặc thù riêng của sáng tạo khi nhà văn được quyền tự do hư cấu và nhìn nhận cuộc sống theo lăng kính riêng của họ. Họ không giống các nhà báo phải chịu sự điều chỉnh của luật Báo chí khi khai thác các tư liệu thật, các thông tin tài liệu của Nhà nước, của các tổ chức hay cá nhân. Điều mà các nhà văn cần hiện nay là chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ với các điều kiện, các chế độ ưu đãi cho các nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung để hỗ trợ, giúp đỡ cho các sáng tác của họ, để tôn vinh họ, chứ họ không cần luật Nhà văn.

(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Tôi chưa hình dung ra chuyện này

Tôi chưa hình dung ra chuyện này vì chưa thấy có nước nào trên thế giới có luật Nhà văn. Vì thế, nếu nước mình có luật Nhà văn thì cũng hơi lạ. Theo tôi nghĩ, không nên để vấn đề điều tiết về mặt pháp lý vào sâu quá trong đời sống tinh thần của mọi người, nhất là đối với các nhà văn vì họ phải có được sự tự do trong suy nghĩ, trong tư tưởng. Không nên hẹp hòi về mặt pháp trị, độc quyền về mặt tư tưởng, độc quyền về mặt sáng tạo và như vậy sẽ giết chết sáng tạo và có hại lâu dài cho giới văn học, nghệ thuật nói chung.

(Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội)

Trên thế giới làm gì có luật Nhà văn

Từ xưa đến nay trên thế giới làm gì có luật Nhà văn. Vấn đề là luật Nhà văn đã nằm đâu đó trong mọi thứ luật đã có hiện nay như luật Dân sự, luật Hình sự, luật Báo chí, luật Bảo vệ tác quyền, đặc biệt là luật Xuất bản. Nếu bây giờ xây dựng luật Nhà văn thì chắc sẽ phải xây dựng luật Nhà thơ, luật Nhà phê bình rồi luật Họa sĩ, luật Nhạc sĩ... thế thì làm sao làm hết mọi thứ luật được? Sao lại lạ kỳ và tốn tiền để xây dựng các thứ luật ấy nhỉ.

(Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Đại biểu quốc hội nói gì?

Không cần thiết!

Theo tôi thì luật Nhà văn thực ra là không cần thiết, các chế định liên quan đến hoạt động của nhà văn thì luật Báo chí đã điều chỉnh. Trước những ý kiến cho rằng có những cái cần luật hóa thì không đưa và ngược lại, tôi cho rằng việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh quả là một vấn đề khó vì sắp xếp thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề: bức xúc của vấn đề, khả năng chuẩn bị của ban soạn thảo, tổng kết thực tiễn... Hiện nay việc sắp xếp thứ tự ưu tiên vẫn trên cơ sở chủ yếu là tờ trình của Chính phủ, các bộ ngành nên vẫn có những sắp xếp là hợp lý và bất hợp lý.

(Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH)

Vì tôi là hội viên nên tôi chọn... luật Nhà văn!

Hiện nay, tất cả các lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội đều được luật hóa trong khi văn học là lĩnh vực quan trọng như vậy trong tiến trình phát triển xã hội mà lại không có luật là không phù hợp. Ý kiến của chúng tôi với tư cách là thành viên của Hội Nhà văn thì chúng tôi rất muốn đưa luật này lên, còn quyết định như thế nào thì QH còn xem xét, nghiên cứu. Luật Biểu tình thì rất cần thiết, là đòi hỏi bức xúc hiện nay. Là một đại biểu QH, nếu phải lựa chọn giữa luật Biểu tình và luật Nhà văn thì tôi vẫn chọn luật Nhà văn.

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), hội viên Hội Nhà văn VN

Thơ văn không dính dáng gì đến cái gọi là luật cả

Thơ, văn không dính dáng gì đến cái gọi là luật cả. Nó chỉ dính dáng đến một thứ luật thôi, là anh có làm ra thứ thơ hay hay không. Luật “tự tâm” ấy thúc đẩy người ta trở thành một nhà thơ tử tế. Ngay cả chuyện Nhà nước cấp tiền cho các hội văn học - nghệ thuật, trong đó có cho nhà thơ tiền để sáng tác cũng vậy. Không một ai có thể nói cấp nhiều tiền thì làm thơ hay, cấp ít tiền thì làm thơ dở. Bởi nhà thơ chỉ làm thơ hay nếu có động lực và tài năng tự thân. Trong trường hợp xấu, khi nhà thơ bị xúc phạm về thân thể đã có luật Hình sự. Xâm hại về sáng tác đã có quyền sở hữu trí tuệ. Tôi không hiểu các nhà làm luật còn muốn thứ luật gì nữa đây.

(PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình văn học)

Ngô An (ghi)

Thực ra là Luật phát triển văn học

Tôi đã làm việc với Hội Nhà văn rồi, đây thực chất không phải là luật Nhà văn mà là luật Phát triển văn học, không phải nhằm điều chỉnh đối tượng nhà văn mà là nhằm điều chỉnh sự nghiệp, nhằm phát triển nền văn học nước nhà theo hướng nào. Có thể là có cách hiểu không khớp nhau giữa cơ quan có sáng kiến pháp luật (ở đây là hội Nhà văn VN) với cơ quan tổng hợp đưa vào dự kiến chương trình.

Sở dĩ cần phải luật hóa vấn đề này vì lâu nay cũng có hiện tượng một số cá nhân hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật không đúng với yêu cầu, mục đích chính của văn học là chân, thiện, mỹ mà có ý định kích động, thổi phồng sự việc với động cơ xấu.

(Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội)

 Nguyễn Việt Chiến - Nguyệt Minh - Tuệ Nguyễn (ghi)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,747

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn