Không ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn

22/10/2015 08:27 AM

Khi trả lời chất vấn, người bị chất vấn không ủy quyền cho người khác mà phải trả lời trực tiếp.

huỳnh nghĩa

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp chiều 21/10 - Ảnh: Lã Anh

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, cần quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn. Khi trả lời chất vấn, người bị chất vấn không ủy quyền cho người khác mà phải trả lời trực tiếp. Đó là kiến nghị của cơ quan thẩm tra Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại phiên họp chiều 21/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chất vấn ai, người đó trả lời

Đóng góp ý kiến vào dự án luật, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh về trách nhiệm của người trả lời chất vấn và cho rằng, cấp trưởng phải trả lời chất vấn chứ không ủy quyền cho cấp phó. “Tôi từng dự phiên họp mà Giám đốc Sở đang ngồi dưới, nhưng để cấp phó lên trả lời chất vấn. Luật này không quy định thì tất cả sẽ giao cấp phó hết. Do đó nên nghiên cứu lại vấn đề này”, ông Thuyền đề nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và HĐND đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên, vừa qua, việc ủy quyền cho cấp dưới trả lời diễn ra phổ biến. Nguyên nhân là do luật không bắt buộc cấp trưởng đích danh trả lời hoặc không cấm ủy quyền trả lời. Bởi vậy, ông Nghĩa đề nghị luật mới cần điều chỉnh theo hướng các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. ĐQBH và HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó trực tiếp trả lời.

huỳnh nghĩa chất vấn

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) băn khoăn về việc các chức danh bị chất vấn thường ủy quyền cho cấp dưới trả lời - Ảnh: Lã Anh

Giám sát vẫn còn hình thức

Vấn đề hiệu quả giám sát cũng là nội dung được các ĐBQH đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường chiều qua. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, do luật chưa chặt chẽ nên chủ thể giám sát chưa làm hết trách nhiệm và đối tượng chịu giám sát chưa chấp hành nghiêm kết luật giám sát. “Có thực trạng là bấy lâu nay có những đoàn giám sát kéo đến rất đông nhưng chỉ nghe báo cáo qua loa, không đi thực tế, liên hoan xong rồi về. Người dân rất mong muốn ngoài giám sát chung, phải lắng nghe các đối tượng cụ thể. Ví dụ ở một địa phương vừa qua, giám sát cấp hỗ trợ dê cho người nghèo nhưng dê “đi lạc” vào nhà Bí thư xã mà không ai biết”, ông Thuyền thẳng thắn.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đánh giá, lâu nay hoạt động giám sát vẫn diễn ra hình thức, do chỉ nghe báo cáo chứ chưa đi vào thực tiễn. “Đoàn giám sát có trách nhiệm nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu liên quan nội dung giám sát. Ví dụ oan sai phải trực tiếp nghiên cứu, gặp người bị giam, gặp điều tra viên để xem họ nói thế nào. Giám sát về đất đai nông lâm trường phải xuống nông lâm trường, hỏi lâm trường viên thì mới phát hiện được các tồn tại”, ĐB Đương dẫn chứng.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) khẳng định, hoạt động giám sát hiện vẫn mang nặng tính hình thức, đồng thời góp ý: “Dự thảo luật quy định khá cụ thể trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chịu sự giám sát; Quy định quyền hạn, trách nhiệm của chủ thể giám sát. Tuy nhiên, cảm giác chung vẫn là quy định chưa đủ mạnh để kiến nghị sau giám sát tuân thủ nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, tạo chuyển biến”.

Giám sát không nên “đánh trống bỏ dùi”

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ĐB Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, kết quả giám sát có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào nội dung, chất lượng của cuộc giám sát, năng lực của người giám sát. Cùng với đó, người giám sát phải theo dõi, đôn đốc đến cùng vụ việc chứ không như kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Nếu vấn đề chất vấn ĐB đưa ra có tính hiệu quả, tính thuyết phục, không những người dân đồng tình mà chính các đối tượng giám sát là các tổ chức thực hiện chính sách pháp luật sẽ tự nguyện chấp hành, thực hiện tốt hơn sau khi được chất vấn.

Hoài Thu

Theo Báo Giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,947

Bài viết về

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn