DN châu Âu kêu gặp khó với Luật Xuất nhập cảnh mới

09/06/2015 07:31 AM

Đây là kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam(gọi tắt là luật xuất nhập cảnh) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Khi được đề nghị doanh nghiệp mô tả về việc áp dung Luật mới, 73% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn và hi vọng luật có tiêu chí rõ ràng hơn, 24% doanh nghiệp cho rằng quy trình thủ tục không rõ ràng và khác nhau ở các tỉnh, 20% nhận định rất khó để áp dung vì Luật mới này không tương thích với Luật Lao động và các thông tư, nghị định liên quan. Chỉ có số ít doanh nghiệp cho rằng Luật mới hợp lý và dễ thực hiện hơn một số nước.

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong việc áp dụng Luật mới, 49% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không/chưa gặp khó khăn gì, 39% cho rằng gặp khó khăn và 12% cho rằng Luật này không áp dụng cho doanh nghiệp của họ.

Khi được hỏi “thủ tục cấp/gia hạn thị thực phù hợp, thẻ tạm trú có đủ rõ ràng cho doanh nghiệp và bộ phận nhân sự”, 56% doanh nghiệp phản hồi cần hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan chức năng và công ty dịch vụ trong quy trình thủ tục, 44% cho hay quy trình thủ tục mới này rõ ràng và họ có thể áp dụng.

Khảo sát cũng đề cập các câu hỏi liên quan đến những thay đổi của Luật DN  và Luật Đầu tư  tại Việt Nam. Có 42% số DN cho biết họ nắm bắt được những thay đổi trong Luật mới, một nửa trong số này tin tưởng Luật mới sẽ đem lại lợi ích chung cho hoạt động kinh doanh, một nửa còn lại cho rằng Luật mới không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.

29% số DN cho biết họ không rõ những thay đổi cụ thể trong Luật mới là gì hoặc cho rằng sự thay đổi đó không đem lại lợi ích. Trong khi đó, 21% số DN thì cho biết, họ không có thông tin gì về sự thay đổi và chỉ có 6% nhận định sự thay đổi này gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh.

Về môi trường kinh doanh tổng thể, 63% DN nhận định tình hình kinh tế vĩ mô sẽ “ổn định và cải thiện”, tăng so với quý trước (59%). Tỷ lệ DN phản hồi “không thay đổi” tăng từ 20%  cuối năm 2014 lên đến 25% trong quý I/2015. Sự suy giảm đáng chú ý là số lượng DN phản hồi “tiếp tục suy thoái” đã giảm từ 21% còn lại 12%.

Thanh Hằng

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,471

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn