Bán cổ phần theo lô: Quan trọng nhất là tính minh bạch

13/05/2015 11:33 AM

Với chủ trương thoái mạnh hơn, thậm chí là thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi một số doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính soạn thảo cơ chế bán cổ phần theo lô lớn. Tuy nhiên, bán theo cách nào để không thất thoát vốn nhà nước lại đang là câu hỏi.

Một góc cảng Quảng Ninh, nơi Vinalines đề xuất bán hết vốn nhà nước cho tập đoàn T&T Ảnh:Cảng vụ Quảng Ninh

Từ một vài trường hợp đến nhân rộng số lượng bán

Bán cổ phần theo lô thường được thực hiện sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa, khác hoàn toàn với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược - được thực hiện trong quá trình doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vốn đã có quy định cụ thể.

Bán theo lô đã từng được thực hiện thí điểm ở một số doanh nghiệp của ngành giao thông (CIENCO 1, CIENCO 4), một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn Hóa chất theo các quyết định cho phép riêng lẻ của Thủ tướng.

Nó xuất phát từ đề nghị của một số nhà đầu tư, có thể đã trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nay muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu, thậm chí muốn sở hữu/nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần còn lại của Nhà nước tại doanh nghiệp. Cũng có thể các nhà đầu tư này không phải là cổ đông chiến lược mà có nhu cầu mua toàn bộ hoặc phần lớn lô cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Cách nào thì cách, đến trước hay đến sau thì việc bán số cổ phần theo lô lớn, không qua đấu giá hoặc có qua đấu giá cũng chưa có quy định.

Trước đề nghị liên tiếp của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nơi đã trình Chính phủ việc thoái vốn theo lô dưới hình thức bán thỏa thuận trực tiếp toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại tại 12 doanh nghiệp (CIENCO 5, CIENCO 6, Vinamotor, Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Quảng Ninh, CTCP Cảng Hải Phòng, bốn công ty thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...), Chính phủ thấy rằng việc thí điểm một vài trường hợp không còn phù hợp. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, cần phải có những quy định cụ thể, tránh tình trạng nơi thì bán theo hình thức thỏa thuận, nơi thì bán theo hình thức đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).

Vấn đề đặt ra là bán cổ phần theo lô bằng phương án nào thì minh bạch nhất và làm thế nào để phòng ngừa chuyện lợi dụng việc này để tránh đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Do vậy, từ cuối năm 2014, khi tổng kết hai năm cổ phần hóa, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính soạn thảo quy định về vấn đề này. Mục đích làm sao tạo công bằng, minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Tất nhiên, chỉ những CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCom mới chờ quy định này.

Thực tế, trong quá trình bán thí điểm theo lô ở một số doanh nghiệp, dù dưới hình thức thỏa thuận hay qua sàn thì hầu hết đều thành công. Như khi Bộ Giao thông Vận tải bán thỏa thuận vốn nhà nước tại 10 công ty quản lý đường thủy nội địa, đã bán được từ vài tỉ đến vài chục tỉ/công ty. Tập đoàn Hóa chất tổ chức bán đấu giá theo lô toàn bộ số cổ phần ở năm doanh nghiệp tại SGDCK TPHCM và tại trụ sở doanh nghiệp thông qua tổ chức tài chính trung gian thì thoái được hết vốn tại ba doanh nghiệp.

Điểm chung của các đợt bán vốn theo lô là đều có lãi, thu về ngân sách số tiền đáng kể. Ít nhất là giá cổ phiếu bằng hoặc cao hơn giá trúng đấu giá tại các đợt IPO trước đó.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã được phép bán cả lô cổ phần theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng đến nay, SCIC chưa tổ chức bán cả lô cổ phần nào tại các SGDCK. Trong khi các bộ, ngành, doanh nghiệp khác hiện chưa có quy định nhưng đã thực hiện xong tại một số doanh nghiệp và còn tiếp tục đề nghị thực hiện nữa.

Phải minh bạch và tránh lách quy định niêm yết

Vấn đề được quan tâm nhất khi bán cổ phần nhà nước theo lô là bán theo phương án nào thì minh bạch nhất và làm thế nào để phòng ngừa việc lợi dụng bán cổ phần theo lô để tránh đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bởi theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, khi đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán (có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên và có ít nhất 100 cổ đông), phải thực hiện việc đăng ký giao dịch tại sàn UpCom trên SGDCK trong thời hạn 90 ngày.

Bộ Tài chính hiện chưa hoàn thành dự thảo quy định việc bán cổ phần nhà nước theo lô, cho dù Chính phủ đã vài lần thúc giục. Trong lần trình một số nội dung cơ bản về vấn đề này tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh với các bộ (ngày 27-4-2015) về tháo gỡ vướng mắc khi cổ phần hóa, bộ đã dự kiến hai nội dung quan trọng nhất là việc bán theo lô sẽ được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá công khai tại các SGDCK. Quy mô lô cổ phần thực hiện đấu giá là toàn bộ số cổ phần cần bán và phải đủ lớn (từ 5% vốn điều lệ trở lên) để nhà đầu tư có thể tham gia vào việc quản trị công ty (quản lý, điều hành...).

Tiêu chí xác định nhà đầu tư khi bán cổ phần nhà nước theo lô mà Bộ Tài chính đề xuất giống như tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược khi bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp nhà nước (cam kết gắn bó lâu dài, không chuyển nhượng số cổ phần tối thiểu năm năm sau sở hữu).

Tuy nhiên, Bộ GTVT, đơn vị đang đề nghị thoái vốn theo lô qua thỏa thuận nhiều nhất, đặt vấn đề: nếu thoái vốn theo lô qua đấu giá không thành thì sao? Đồng thời bộ này cho rằng không thể áp dụng quy định đối với nhà đầu tư mua thoái vốn theo lô như với nhà đầu tư chiến lược khi doanh nghiệp IPO. Bởi nhiều trường hợp, tỷ lệ cổ phần thoái theo lô thường lớn hơn tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư chiến lược. Nếu phân nhóm doanh nghiệp, đặt điều kiện, quy định với từng nhóm doanh nghiệp khác nhau có thể sẽ vừa chặt chẽ hơn, vừa đảm bảo hiệu quả thoái vốn hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý rằng, phải quy định rõ tiêu chí, trường hợp doanh nghiệp như thế nào thì được thực hiện bán theo lô lớn. Bộ cũng ủng hộ nguyên tắc bán đấu giá công khai. Bán theo lô vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc đấu giá công khai, thông báo rộng rãi theo quy định để thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, đảm bảo minh bạch và tạo được nguồn thu tối đa nhờ cạnh tranh về giá mua. Chỉ những trường hợp đấu giá không thành công thì mới xét đến bán qua thỏa thuận để tăng tính hấp dẫn.

Đó là những gợi ý rất cần thiết cho Bộ Tài chính để hoàn thành dự thảo quy định việc này, tránh tình trạng xảy ra ở các CTCP cảng biển: Chính phủ vừa chấp nhận thoái hết vốn nhà nước thì doanh nghiệp đề nghị mua ngay theo hình thức duy nhất là bán cho họ toàn bộ cổ phần theo lô.

Ngọc Lan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,895

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn