Thị trường chứng khoán một năm nhìn lại: Được và mất

10/12/2007 16:18 PM

Ai lên sàn cũng mong muốn đồng tiền của mình sinh sôi nảy nở. Điều này là hợp lý. Thế nhưng vấn đề lại là, trong bao lâu? Kiếm lời trong một tuần, hai tuần, một tháng hay một năm?

Ai lên sàn cũng mong muốn đồng tiền của mình sinh sôi nảy nở. Điều này là hợp lý. Thế nhưng vấn đề lại là, trong bao lâu? Kiếm lời trong một tuần, hai tuần, một tháng hay một năm?

Các nhà đầu tư đang trưởng thành hơn cùng với những thăng trầm của thị trường. Ảnh : L.Q.N

Câu hỏi này xem ra rất quan trọng vì nếu trả lời thoả đáng nó có thể biến một “trò chơi may rủi” thành một “nghề đầu tư nghiêm túc”. Thử lấy mốc thời gian một năm để đánh giá những được mất trên sàn trong năm qua

Được mất với nhà đầu tư

Thời điểm đầu tháng 1.2007, hai sàn đều đang trong xu thế đi lên mạnh mẽ. VN-Index ở ngưỡng 750. Giả sử một nhà đầu tư (tạm gọi là dài hạn) đầu tư vào 3 blue chip là STB với giá 73, ACB với giá 160, và SSI với giá 210 và không làm gì cả cho đến ngày hôm nay, tức là sau gần một năm thì nhà đầu tư đó được hay mất?

Như vậy có thể thấy, trong năm qua nếu đầu tư 468 triệu vào 3 cổ phiếu này và không làm gì hết thì tại thời điểm hiện tại nhà đầu tư có thể thu lời 282 triệu hay tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư là 60%. Như vậy, thực sự so với các khoản đầu tư khác, thị trường chứng khoán của chúng ta tạo ra tỷ lệ lợi nhuận rất hấp dẫn. Tính toán trên vẫn chưa hoàn toàn chính xác khi trước đó ACB và SSI còn cho cổ đông mua các trái phiếu chuyển đổi. Nếu tính thật đầy đủ thì tỷ lệ lợi nhuận chắc chắn còn cao hơn rất nhiều.

Vậy tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn không hài lòng? Vẫn thua lỗ? Có lẽ nguyên nhân chính ở chỗ nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ mong muốn đầu tư một vài ngày là có lợi nhuận mấy chục phần trăm. Với kỳ vọng loại này, thị trường chứng khoán là canh bạc, quyết định trong ngắn hạn (một vài ngày hay một vài tuần) có độ rủi ro rất cao. Trên phương diện lý thuyết, trong ngắn hạn dao động của giá so với giá trị thực (giả thiết tồn tại) sẽ rất lớn do các phản ứng thái quá của nhà đầu tư. Nhưng trong dài hạn xu hướng của giá với giá trị thực sẽ tương đối tiệm cận và đồng biến. Ví dụ nêu trên khẳng định nhận định này mặc dù một năm chưa thực sự là một khoản đầu tư dài hạn.

Câu hỏi kế tiếp được đặt ra: liệu xu hướng này còn kéo dài trong các năm kế tiếp. Câu trả lời là xác suất xảy ra là rất lớn, khi: (1) nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong đà phát triển mạnh, (2) hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, (3) các doanh nghiệp lớn như SSI, STB, ACB và nhiều doanh nghiệp khác vẫn ngày càng phát triển với chiến lược kinh doanh bài bản có chiều sâu, năng lực cạnh tranh ngày càng vững chắc. Vấn đề của nhà đầu tư là cân nhắc và lựa chọn được các doanh nghiệp tốt để đầu tư và nhờ các doanh nghiệp này tạo lợi nhuận cho mình.

Được mất với doanh nghiệp

Cái mất đáng lo lắng nhất có lẽ chính là mất mát của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Điều này nghe có vẻ lạ tai. Họ được nhiều chứ. Nhờ thị trường chứng khoán mà Việt Nam có một lớp các tỉ phú mới, và vị trí công ty Việt Nam trở nên có sức hấp dẫn nguồn nhân lực, chất xám hơn hẳn so với công ty nước ngoài.

Bên cạnh những cái được đó có lẽ cái mất cũng rất cần báo động. Tiền nhiều quá, nhanh quá sẽ làm tha hoá đội ngũ nhân sự của các công ty. Những người còn quá trẻ và tự nhiên có quá nhiều tiền, liệu có còn động lực để làm việc, để phấn đấu? Hay suốt ngày chỉ lo đến giá cổ phiếu, đến mua đất, đến ăn chơi?

Bệnh kiêu binh liệu có đáng lo? Khi người ta nhiều tiền quá, người ta nghĩ mình quá giỏi, mình làm gì cũng thành công, họ trở thành kiêu binh, thành một lớp nhà kinh doanh không có động lực lắng nghe và học hỏi. Tiền vừa vừa còn có nhu cầu học tiếng Anh, MBA... còn nhiều tiền quá thì học gì nữa??? Rất đáng lo ngại...

Chứng khoán sẽ rất tốt khi gắn với giá trị thực của sản xuất, dịch vụ, và kinh doanh. Chứng khoán đáng lo ngại khi nó làm cho sản xuất trở thành thứ yếu, con người mất động lực làm việc...

Thị trường đang trưởng thành

Cái được lớn hơn của thị trường nằm ở sự trưởng thành của thị trường, trong đó có sự trưởng thành của các doanh nghiệp cổ phần, của các công ty chứng khoán, của uỷ ban chứng Khoán, của hai sàn Hà Nội và Tp.HCM, của cộng đồng các nhà đầu tư và của dư luận xã hội nói chung.

Có lẽ nên tôn vinh các nhà đầu tư cá nhân của chúng ta, những người góp phần rất lớn làm nên sự sôi động của thị trường hôm nay. Chỉ hơn một năm qua, các bà nội trợ, các bác hưu trí, những anh chị công chức – những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Họ đã phải tự học, tự vật lộn trong núi thông tin, chính thức có, không chính thức có, “đồn nhảm” có, để ra các quyết định đầu tư.

Họ đã từng bị báo chí, rồi cả các quan chức “chê bai” là “chẳng có quốc gia nào mà cả bà nội trợ cũng lên sàn đầu tư chứng khoán”. Đúng ra chúng ta nên tự hào vì điều này. Chúng ta mới bước vào một nền kinh tế thị trường, cả nước (từ doanh nghiệp đến chính phủ và người dân) chẳng riêng gì các bà nội trợ đều bỡ ngỡ, ngỡ ngàng thì việc các bà nội trợ xông vào thị trường học hỏi và đầu tư, rồi trưởng thành trong nền kinh tế thị trường thật sự là điều đáng trân trọng.

Những ngày đầu sàn nóng lên, cảnh chụp giựt mua bán trên các sàn chứng khoán khá phổ biến, người ta “say chứng khoán”. Rồi một ngày không đẹp trời, thị trường trở nên ảm đạm, giá trị sụt giảm liên tục, các khuôn mặt ngày càng lo lắng xanh xao. Nhưng chính trong “cơn bão” đó, cộng đồng các nhà đầu tư nhỏ lẻ trưởng thành. Họ vượt qua cơn bão, tự tin và mạnh mẽ. Họ đã biết kiềm chế lòng tham, đã biết tĩnh tâm, đã học cách phân biệt giữa giá trị ảo và thực. Và họ cũng học được trong mất mát cách đối nhân xử thế, trên sàn cảnh chụp giựt bớt đi, mọi người thân tình hơn, chia sẻ hơn. Họ đã trở thành các chiến binh dày dạn hơn cho các cuộc chiến sắp tới trên thị trường.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 506

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn