Trăn trở chuyện lập hồ sơ đi giáo dưỡng

02/06/2009 14:49 PM

Cái khó khăn nhất đối với việc lập hồ sơ đi trường giáo dưỡng chính là từ phía các gia đình. Tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ là rất thương con, hầu hết đều tìm cách che giấu hành vi của con mình. Khi nó quậy phá hết sức chịu đựng thì muốn đưa nó đi ngay trường giáo dưỡng, nhưng khi chờ quyết định thì có khi lại thay đổi, chẳng muốn cho con đi.

Cái khó khăn nhất đối với việc lập hồ sơ đi trường giáo dưỡng chính là từ phía các gia đình. Tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ là rất thương con, hầu hết đều tìm cách che giấu hành vi của con mình. Khi nó quậy phá hết sức chịu đựng thì muốn đưa nó đi ngay trường giáo dưỡng, nhưng khi chờ quyết định thì có khi lại thay đổi, chẳng muốn cho con đi.
 
Khi trẻ em đã tuột khỏi tầm tay giáo dục, quản lý của cha mẹ, vô tình chúng trở thành những mầm họa cho xã hội bởi những hành vi vi phạm pháp luật. Để các em ở ngoài xã hội mà gia đình không quản lý được thì càng nguy hiểm hơn. Do đó, lập hồ sơ đưa những đối tượng theo quy định vào trường giáo dưỡng là việc làm nhân văn nhằm ngăn chặn "đầu vào" của tội phạm, giúp trẻ em có cơ hội sửa chữa lỗi lầm khi gia đình đã bó tay và bản thân các em chối bỏ sự giáo dục, quản lý của cộng đồng…

"Giải mã" trẻ em hư

Nghiện game online, con đường dẫn đến trẻ em phạm tội.

Số liệu thống kê của Viện KSND tối cao cho thấy, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Trước thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội trộm cắp, cướp giật đang ở mức báo động, Viện Tâm lý học vừa có công trình nghiên cứu dưới góc độ khoa học tâm lý nhằm mổ xẻ nguyên nhân trẻ phạm pháp.

Phân tích của công trình nghiên cứu này cho thấy trẻ em hư, trẻ em phạm pháp do ảnh hưởng của gia đình chiếm tỷ lệ khá lớn, trong đó trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm trên 50%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%.

Nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em và 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ em phạm tội là do quá trình hình thành nhân cách bị ảnh hưởng bởi nạn bạo hành gia đình từ nhỏ. Sự ngược đãi, bạo hành về tinh thần hay thể xác đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ và để lại những di chứng nặng nề trong việc hình thành cách ứng xử sau này. Cũng có nhiều gia đình chưa chú ý đến việc giáo dục con cái, hoặc giáo dục không đúng cách, nuông chiều con cái quá mức, thỏa mãn mọi nhu cầu, đòi hỏi của con cái.

Trong khi đó, trẻ em thường chịu tác động lớn của môi trường xung quanh, đặc biệt chịu ảnh hưởng rất nhiều của người lớn về mọi mặt và ảnh hưởng của bạn bè cùng lứa tuổi tại nơi ở. Có tới trên 60% trẻ em làm trái pháp luật từ ảnh hưởng xấu của bạn bè, gần 40% do ảnh hưởng của người lớn và bị người lớn lôi kéo, kích động, cưỡng bức vào con đường vi phạm pháp luật…

Đau lòng cha mẹ, rầu lòng người lập hồ sơ

Mới bước sang tuổi 15 nhưng Ngô Văn Đại ở Ứng Hòa, Hà Nội đã có kinh nghiệm trộm cắp chẳng khác nào những tay lưu manh chuyên nghiệp. Lần đầu tiên Đại bị bắt giữ vào tháng 10/2008, khi cùng Vũ Văn Tiến (23 tuổi), ở Sơn Công, Ứng Hòa trộm cắp chiếc xe máy ở tổ 14 Láng Thượng.

Vụ án được Công an quận Đống Đa điều tra làm rõ, khởi tố bắt giam đối với Vũ Văn Tiến. Do Đại lúc đó ở tuổi vị thành niên nên không xử lý hình sự. Trong thời gian chờ xử lý, ngày 20/1, Đại cùng một kẻ lang thang khác tiếp tục đi trộm cắp. Đại bị người đi đường phát hiện bắt giữ.

Tại Công an huyện Từ Liêm, Đại khai nhận hằng ngày tầm 4-5h sáng, Đại lén rời nhà đón xe buýt ra Hà Nội cùng đồng bọn trộm cắp, đến tối lại bắt xe buýt về. Khi cơ quan Công an lập hồ sơ đưa Đại vào trường giáo dưỡng, bố mẹ Đại tỏ thái độ bất hợp tác, cho rằng con mình đâu đến nỗi hư hỏng như vậy. Nhưng hỏi hằng ngày, họ có biết con mình đi đâu, làm gì thì cả hai đều không trả lời được.

Một phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.

Trung tá Phạm Văn Hiển - cán bộ phụ trách hồ sơ giáo dưỡng của Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội không giấu được sự lo ngại khi cho biết, nếu như trước đây, trẻ em hư thường rơi vào các gia đình không hoàn thiện, hoàn cảnh éo le thì thời gian gần đây, số trẻ em hư phải đi trường giáo dưỡng lại rơi nhiều vào các em thuộc gia đình kinh tế khá, bố mẹ có nghề nghiệp, thậm chí là cán bộ, công chức. Thế nhưng mải công việc, thời gian dành cho con cái ngày càng ít dần. Con hư lúc nào, cha mẹ không hay.

Khi lập hồ sơ đưa các cháu đi trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật, từ CSKV đến cán bộ điều tra đều không tránh khỏi xót xa cho các cháu bởi hơn ai hết, họ cũng đang là những bậc làm cha, làm mẹ.

Trung tá Phạm Văn Vy - CSKV Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, cái khó khăn nhất đối với việc lập hồ sơ đi trường giáo dưỡng chính là từ phía các gia đình. Tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ là rất thương con, hầu hết đều tìm cách che giấu hành vi của con mình. Khi nó quậy phá hết sức chịu đựng thì muốn đưa nó đi ngay trường giáo dưỡng, nhưng khi chờ quyết định thì có khi lại thay đổi, chẳng muốn cho con đi.

Nhiều người, khi biết chính xác hành vi vi phạm của con em mình còn quá ngỡ ngàng. Người đàn ông chúng tôi gặp ở Trường giáo dưỡng số 2, Bộ Công an là một trường hợp như thế. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông khẩn khoản xin được giấu tên vì hiện giờ gia đình ông vẫn nói với mọi người rằng con đang đi học. Ông là Đinh Xuân T., trú tại tỉnh Ninh Bình...

Mỗi tháng vài lần, ông cùng vợ lại lặn lội xuống trường thăm con, mang theo những thứ đồ ăn mà bình thường nó thích nhất. Dù bận mấy, họ cũng thay nhau đến trường để động viên con. Lúc ấy, nhìn cậu con trai hơn chục tuổi, vô tư ăn những thứ đồ được bố mang cho, ông trào nước mắt. Gương mặt trông thật hiền lành, ngây thơ vậy mà nó lại có thể làm được cái việc tày đình mà một người cha như ông không thể ngờ tới.

Cho đến khi cơ quan Công an thông báo, con ông chính là đối tượng đã gây ra cái chết thương tâm cho một cụ bà hơn 80 tuổi, là mẹ của người bác đang chăm sóc, dạy dỗ nó... ông T. bàng hoàng. Bậc làm cha, làm mẹ nào cũng thế, và cho đến tận bây giờ, ông T. vẫn cho rằng nó làm điều đó chỉ vì bột phát...

Trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng gồm:

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS.

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối TTCC mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 654

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn