Sửa đổi Bộ luật TTHS: Gần nửa bộ luật hiện hành “có vấn đề”

12/02/2009 09:53 AM

Chỉ đạo của Quốc hội là sửa toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (Bộ luật 2003). Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị kỹ các nội dung cần sửa đổi gắn với quá trình nghiên cứu mô hình mới của các cơ quan tố tụng theo Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp.

Theo đánh giá ban đầu, có tới 150 điều luật được cho là có vướng mắc...

Chỉ đạo của Quốc hội là sửa toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (Bộ luật 2003). Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị kỹ các nội dung cần sửa đổi gắn với quá trình nghiên cứu mô hình mới của các cơ quan tố tụng theo Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp. Dự kiến sang Quốc hội khóa sau sẽ thông qua bộ luật mới” - Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng cho biết như trên tại buổi họp Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi hôm qua (11-2).

Luật cho tòa có quyền khởi tố vụ án nhưng rất ít khi tòa thực hiện vì không phù hợp với chức năng. Ảnh minh họa: HTD

Trước đây, VKSND tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) cùng TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp... đã tổng kết năm năm thi hành Bộ luật 2003. Tổng hợp chung cho thấy Bộ luật 2003 đã góp phần tích cực vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Yếu tố dân chủ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm công bằng xã hội đã được chú trọng. Việc lạm dụng bắt khẩn cấp, hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã được khắc phục đáng kể. Chuyện bắt oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng được hạn chế. Đặc biệt, Bộ luật 2003 đã tạo bước chuyển lớn khi tăng thẩm quyền cho tòa cấp huyện, là cơ sở để hệ thống cơ quan tư pháp hoạt động theo nguyên tắc hai cấp xét xử...

Thiếu khả thi, chưa rõ thẩm quyền

Tuy nhiên, ý kiến tổng hợp từ cơ quan tư pháp các cấp cho thấy Bộ luật 2003 vẫn còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, chưa kể một số quy định thiếu thực tế, không khả thi.

Chẳng hạn, luật cho tòa có quyền khởi tố vụ án là không phù hợp với chức năng xét xử của tòa và rất ít khi tòa thực hiện. Nguyên tắc tòa xét xử tập thể xảy ra vướng mắc: Bên hội thẩm chiếm đa số, có lúc quan điểm xét xử sai nhưng lại áp đảo quan điểm đúng đắn của thẩm phán; luật quy định mới về thủ tục xét xử rút gọn nhưng nguyên tắc tập thể nhiều khi hạn chế hiệu quả của thủ tục này...

Ngoài ra, luật chưa định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, dẫn tới tình trạng nhập nhằng, đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Chẳng hạn, VKS được ra yêu cầu với cơ quan điều tra nhưng lại thiếu cơ chế ràng buộc cơ quan điều tra tuân thủ. Vì thế, nhiều khi VKS yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc thay đổi các quyết định tố tụng, yêu cầu điều tra bổ sung nhưng không ai thực hiện.

Cạnh đó, luật phân công, phân việc giữa thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra; giữa viện trưởng và phó viện trưởng; giữa chánh án với phó chánh án còn chưa rành mạch. Từ đó dẫn tới hiện tượng có nơi cấp trưởng phân công cấp phó theo từng vụ việc thì thủ tục rườm rà, khó khăn khi cấp trưởng vắng mặt. Nơi khác ủy quyền phụ trách thường xuyên theo khối công tác thì công việc trôi chảy nhưng lại có người nói trái luật.

Theo Bộ luật 2003, thẩm quyền ra quyết định tố tụng chủ yếu thuộc về người đứng đầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát, trong khi trực tiếp tiến hành hầu hết hoạt động tố tụng lại là điều tra viên, kiểm sát viên. Người làm trực tiếp không có quyền, người có quyền lại không trực tiếp, chưa kể phụ trách cùng lúc quá nhiều án nên hoạt động điều tra, truy tố thường diễn ra chậm chạp. Để khắc phục, quy chế ngành kiểm sát cho phép ủy quyền phó trưởng phòng ở VKS cấp tỉnh; vụ trưởng, phó vụ trưởng ở VKSND tối cao được ký một số quyết định tố tụng thuộc thẩm quyền của viện trưởng, phó viện trưởng. Nhiều ý kiến cho rằng ủy quyền như vậy là “lách luật” và cơ quan điều tra một số nơi không chấp nhận.

Mâu thuẫn với luật khác

Bộ luật 2003 còn có một số điều mâu thuẫn với những luật ban hành sau. Chẳng hạn, luật về luật sư 2006 quy định giấy chứng nhận người bào chữa chỉ cần cấp một lần là có giá trị trong cả quá trình tố tụng trừ trường hợp thay đổi người bào chữa. Trong khi đó, Bộ luật 2003 lại đòi hỏi cứ tới mỗi khâu của quá trình tố tụng, luật sư lại phải xin giấy chứng nhận, gây khó cho hoạt động bào chữa trong tình trạng mà tới 80% vụ án vắng bóng luật sư.

Hơn nữa, Bộ luật 2003 mở cho luật sư quyền có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can, tham gia hỏi người bị tạm giữ, bị can. Thế nhưng phần lớn luật sư không thực hiện được quyền này bởi nếu điều tra viên chưa đồng ý thì luật sư dù có giấy chứng nhận bào chữa cũng chẳng thể tham gia. Phản ánh của giới luật sư cho thấy phạm vi thu thập tài liệu, đồ vật của người bào chữa còn quá hẹp, chỉ gói gọn trong đối tượng bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thân nhân của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của những người này. Cơ chế đảm bảo cho luật sư được đọc, sao chép tài liệu cũng chưa cụ thể, rõ ràng...

Quy định về chứng cứ chưa ổn

Các quy định về chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự cũng còn nhiều điểm chưa ổn. Luật bó hẹp chứng cứ chỉ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do luật quy định khiến cho lời khai của người làm chứng, người bị hại được ghi nhận công khai cũng như tài liệu thu thập được một cách chính thống từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi khởi tố vô tác dụng. Cơ quan điều tra thường phải mất công “làm mới” những chứng cứ này, làm phức tạp quá trình điều tra.

Luật cũng quy định nguồn chứng cứ chủ yếu theo “truyền thống” như văn bản, dấu vết hiện trường... Nhưng ở thời đại công nghệ thông tin, nhiều dấu vết tội phạm chỉ tìm thấy được dưới dạng mã hóa trong các thiết bị điện tử. Vì vậy, nhiều cơ quan điều tra kiến nghị cần tạo điều kiện cho chứng minh tội phạm bằng các phương tiện điện tử.

Giới luật sư cũng rất băn khoăn về quy định chỉ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa mới có quyền đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án. Vậy người bào chữa đã thu thập chứng cứ thì có nên bổ sung quyền đánh giá lại những tài liệu, đồ vật mà cơ quan tố tụng thu thập cho là chứng cứ?

Theo đại diện tổ biên tập của VKSND tối cao, tính ra có tới 150 điều luật, tức gần một nửa Bộ luật 2003 được phản ánh là có vướng mắc. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá ban đầu, cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ hơn, tìm giải pháp sửa đổi hợp lý thì mới định khung được bộ luật mới. Mục tiêu cao nhất vẫn là vừa tăng cường tính dân chủ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng, vừa giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trôi chảy, vừa nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Quy định thời hạn cứng nhắc

Thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy quy định về các thời hạn tố tụng còn quá cứng nhắc. Luật hiện hành phân định chủ yếu theo loại tội phạm. Trong khi đó, những vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng nhưng tình tiết rõ, chứng cứ quả tang, hung thủ nhận tội thì thời hạn điều tra dài nhưng có những vụ gây rối trật tự công cộng thuộc loại tội ít nghiêm trọng nhưng số người tham gia đông thì chỉ vài tháng điều tra là quá ngắn. Để tránh vi phạm, nhiều nơi phải hợp lý hóa bằng cách cứ ra kết luận điều tra cho kịp thời hạn rồi xin được trả hồ sơ để điều tra bổ sung tiếp...

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 665

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn