Luật sư Trần Văn Tạo: Tôi sẵn sàng đứng về phía đúng

14/05/2008 11:19 AM

Hôm qua, ngay sau khi biết tin nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị bắt, hầu hết bạn đọc, báo giới, các luật sư và những người có uy tín xã hội đều tỏ ra bức xúc; đồng thời phân tích, nhận định, thể hiện thái độ, quan điểm hoặc bài tỏ ý kiến động viên, chia sẻ với vụ việc trên.

 Hôm qua, ngay sau khi biết tin nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị bắt, hầu hết bạn đọc, báo giới, các luật sư và những người có uy tín xã hội đều tỏ ra bức xúc; đồng thời phân tích, nhận định, thể hiện thái độ, quan điểm hoặc bài tỏ ý kiến động viên, chia sẻ với vụ việc trên. 

Luật sư Trần Văn Tạo (văn phòng luật sư Trần Văn Tạo, TP.HCM) là người nhận lời sớm nhất, nhanh nhất việc bào chữa cho nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) vừa bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ngày 12-5. Chiều 13-5, luật sư Trần Văn Tạo cho biết:

- Mặc dù hết sức bận rộn với các vụ án lớn đang phải tham gia bào chữa tại các phiên tòa,

Luật sư Trần Văn Tạo

nhưng đứng trước tình hình bức xúc của báo Tuổi Trẻ và sự tín nhiệm, yêu cầu của nhà báo Nguyễn Văn Hải, tôi sẵn sàng tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Tôi tham gia với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một luật sư là luôn sẵn sàng đứng về phía đúng, không chấp nhận đứng về phía sai. Khi đã nhận lời, tôi sẽ làm hết sức để vụ án này được sáng tỏ.

* Nhiều ý kiến cho rằng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố nhà báo Nguyễn Văn Hải về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không phù hợp, thậm chí "kỳ lạ”. Quan điểm của luật sư ra sao?

- Với tội danh anh Nguyễn Văn Hải bị khởi tố, tôi hết sức phân vân. Bởi Hải là một phóng viên bình thường, tác nghiệp theo nhiệm vụ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ giao; theo sự cổ vũ, khuyến khích của cơ quan công quyền, tham gia thực hiện chủ trương chống tham nhũng của Nhà nước. Với tư cách như vậy lại bị khởi tố một tội danh dành cho người tham nhũng, vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Tôi phân vân vì chưa rõ cơ sở của cơ quan điều tra khởi tố anh Hải. Nhưng theo nội dung của quyết định khởi tố bị can đã nêu rõ: anh Hải đã có hành vi thu thập thông tin về vụ án "Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc", vụ án "cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đưa nhận hối lộ; tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án 18" đang điều tra, trong đó có những thông tin sai sự thật để viết bài, đăng báo, gây dư luận xấu.

Với nội dung như vậy, khởi tố anh Hải về tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa chuẩn. Vì yếu tố cấu thành bắt buộc của tội danh này là phải có vụ lợi, có lợi ích, có động cơ khác. Nhưng trong nội dung khởi tố bị can không thấy thể hiện tính chất này.

Tôi có đọc một số bài báo do anh Hải viết, thấy có một số sơ suất. Theo Luật báo chí, cơ quan báo Tuổi Trẻ đã có những đính chính kịp thời, đúng luật. Anh Hải là một phóng viên thì phải thực hiện theo Luật báo chí và trước tiên đã thực hiện đúng Luật báo chí, không thể hiện việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn gì cả trong tác nghiệp. Những loại bài báo như vậy ai có thông tin cũng có thể viết được chứ không chỉ anh Hải.

* Chúng tôi cho rằng với tính chất như vậy, không cần thiết dùng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam bốn tháng đối với nhà báo Nguyễn Văn Hải. Ý kiến luật sư ra sao?

- Theo tôi, trong tình hình hết sức nhạy cảm hiện nay không nhất thiết phải dùng biện pháp ngăn chặn như vậy. Mặt khác, căn cứ theo nội dung khởi tố bị can cũng không nhất thiết phải dùng biện pháp ngăn chặn. Tôi cũng biết cơ quan báo Tuổi Trẻ sẵn sàng bảo lãnh cho anh Hải tại ngoại và bảo đảm anh Hải có mặt khi cơ quan điều tra yêu cầu.

Về phía tôi sẽ sớm tiến hành các thủ tục để tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh Nguyễn Văn Hải.

Tiến sĩ, luật sư PHAN TRUNG HOÀI (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải xem lại trình tự xử lý vụ việc trước khi khởi tố

Liên quan vụ án này, chúng tôi nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng nên cân nhắc, xem xét lại về trình tự xử lý vụ việc trước khi tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với một số nhà báo. Bởi nếu thật sự có việc thông tin sai sự thật, trình tự đầu tiên mà cơ quan báo chí, nhà báo phải làm là cải chính và xin lỗi công khai; trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải đăng, phát sóng kết luận đó.

Nếu như cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án. Trong trường hợp cơ quan báo chí vi phạm về những điều không được thông tin trên báo chí, về cải chính trên báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền, đình bản, thu hồi giấy phép…

Theo chúng tôi, trong vụ án này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này là thanh tra chuyên ngành văn hóa thông tin) cần phải có văn bản kết luận về những nội dung thông tin trên báo chí là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Từ đó cơ quan báo chí phải có trách nhiệm đăng lại nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi. 

C.M. ghi

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư Bà rịa - Vũng Tàu):

Có cần thiết phải bắt tạm giam?

Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn khắc nghiệt nhất được qui định tại điều 88 của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, có thể bắt tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Vậy có ai tin rằng các nhà báo nội chính uy tín và đầy tâm huyết như Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến lại có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội hay không? Do đó việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các nhà báo trên là quá nặng nề và rất khó hiểu.

Về mặt pháp luật, nếu các nhà báo đưa tin sai thì theo Luật báo chí, Bộ luật dân sự, hoàn toàn có các biện pháp hành chính, dân sự khác để xử lý, như: người bị thiệt hại (nếu có) có thể yêu cầu cải chính, xin lỗi hoặc có thể kiện ra tòa dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; chứ chưa cần thiết và chưa thỏa đáng khi khởi tố hình sự các nhà báo. Trong khi các cá nhân bị thiệt hại cũng không yêu cầu khởi kiện, mà Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố hình sự thì quả là đáng tiếc và không thuyết phục.

H.K. ghi

 

THU AN thực hiện

.......................

Hành lang Quốc hội: "Nóng" về vụ bắt hai nhà báo

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (trái) tại văn phòng đại diện báo Thanh Niên ở Hà Nội, trước khi đến nhà giam - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng 13-5, vừa bước ra khỏi hội trường trong giờ giải lao của phiên họp Quốc hội, chủ tịch Hội Nhà báo VN Đinh Thế Huynh lập tức được các phóng viên vây kín với hàng loạt câu hỏi day dứt liên quan đến việc hai nhà báo chuyên viết về đấu tranh chống tham nhũng bị bắt.

Trong khi đó, chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh cũng được "quan tâm" bởi một "rừng" máy ghi âm của các nhà báo.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đinh Thế Huynh khẳng định hội sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên. Ông Đinh Thế Huynh còn nói: "Hôm nay (13-5), đồng chí phó chủ tịch thường trực của hội sẽ làm việc với liên chi hội báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên để tìm hiểu rõ nội vụ… Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan. Tôi nghĩ rằng báo chí là kênh thông tin quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, như vậy không vì việc này mà giảm ý chí chiến đấu của anh em".

Khi các phóng viên phản ảnh trong quá trình diễn biến vụ PMU18 rất ít được tiếp cận thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, nên khó đánh giá nguồn tin của mình chính xác đến đâu, ông Huynh trả lời: "Nói chung, thông tin chính thống theo căn cứ pháp luật là rất hạn chế.

Nếu chúng ta chỉ có thể dựa vào tin chính thống theo cách thức hiện đang làm thì thông tin không đầy đủ, mà bổn phận của báo chí là tìm hiểu thông tin... Nếu sự việc đã ngã ngũ cả rồi thì lại không đòi hỏi trách nhiệm, công việc của nhà báo nữa".

Quốc hội trong ngày làm việc hôm qua bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề án mở rộng Hà Nội, nhưng lúc này các phóng viên theo dõi nghị trường lại đang nghĩ về số phận đồng nghiệp của họ, đặc biệt là khía cạnh pháp lý của việc khởi tố, bắt tạm giam các nhà báo.

Ông Phạm Quốc Anh không ngần ngại cho biết ngay trong ngày 12-5 (ngày diễn ra việc bắt các nhà báo), ông đã trò chuyện với viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Trần Quốc Vượng về vấn đề này, đồng thời thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho rằng các cơ quan chức năng phải làm hết sức thận trọng.

Theo ông Anh, ngay sau khi miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến thì việc khởi tố, bắt tạm giam các nhà báo sẽ khiến dư luận dễ hiểu về một "cú đòn ngược"…

Bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã dừng bước chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về việc đồng nghiệp phải trả giá cho những dòng tin liên quan đến vụ PMU18, một đại biểu là luật sư còn đề nghị được tham gia cùng Tuổi Trẻ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà báo Nguyễn Văn Hải…

Hôm qua thật sự là một ngày dài với các phóng viên nghị trường khi phải chờ đến giờ giải lao buổi chiều để phỏng vấn bộ trưởng Bộ Công an, nhưng ông bộ trưởng đã từ chối trả lời.

* Liên quan đến vụ PMU18, sáng 13-5, bà Lê Thị Thu Ba - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho hay trong chương trình hành động của ủy ban thời gian tới có việc họp với VKSNDTC và Bộ Công an để nghe báo cáo về vấn đề ông Nguyễn Việt Tiến trong vụ án xảy ra tại PMU18.

Trước đó, thường trực Ủy ban Tư pháp đã tổ chức một cuộc họp để nghe đại diện lãnh đạo Bộ Công an, VKSNDTC báo cáo về nội dung này. Tại cuộc họp, thường trực Ủy ban Tư pháp đã nêu nhiều nội dung và đề nghị các cơ quan trên làm rõ những căn cứ pháp luật liên quan đến việc đình chỉ vụ án và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Tiến.

"Bao giờ nghe các cơ quan chức năng báo cáo đầy đủ, chúng tôi sẽ thể hiện quan điểm của mình" - bà Thu Ba nói.

VÕ VĂN THÀNH

...............................

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM:

Tại sao bắt nhà báo vào thời điểm này?

Ảnh: H.K.

Sáng 13-5, bà Nguyễn Thị Hằng Nga (ảnh) - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi xung quanh sự kiện hai nhà báo viết bài về vụ án PMU18 là Nguyễn Văn Hải (phó trưởng văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị bắt tạm giam. Bà Nga cho biết:

- Cảm giác của tôi là hết sức bàng hoàng và buồn khi nghe tin đồng nghiệp của mình bị bắt. Trong bối cảnh vụ án PMU18 diễn biến hết sức phức tạp mà đồng nghiệp của tôi dám dấn thân như thế là dũng cảm. Tôi không hiểu vì lý do gì mà cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với các nhà báo vào thời điểm này.

Tôi cũng là nhà báo từng chống tiêu cực và không ít lần bị dọa dẫm. Tôi nghĩ xã hội được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho chúng ta đấu tranh chống các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực thì đấy cũng là một xã hội lành mạnh.

Đảng và Nhà nước không đi ngược lại những công việc mà nhà báo đang làm. Bên cạnh đó, xã hội, nhân dân luôn sát cánh và tạo cho chúng tôi niềm tin, dũng khí để tuyên chiến không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

* Trước khi hai nhà báo bị bắt, bà có thông tin gì về vụ việc này không?

- Việc hàng loạt nhà báo tham gia đưa tin vụ PMU18 bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập thẩm vấn tôi đã biết từ lâu. Nhiều

Công an khám xét phòng làm việc của nhà báo Nguyễn Văn Hải (phải) tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

nhà báo đã bức xúc tâm sự với tôi việc đó. Với tư cách là một tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà báo, tôi đã động viên anh em là vụ án đang trong quá trình điều tra nên hết sức bình tĩnh và tin rằng cơ quan điều tra sáng suốt.

Khi theo dõi vụ PMU18 và qua báo chí đưa tin, tôi được biết cho đến nay vụ án chưa có kết luận chính thức. Hội Nhà báo cũng không tiếp nhận hoặc được trao đổi về thông tin này. Tôi nghĩ xã hội đang định hướng cho mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật thì ánh sáng của pháp luật cũng sẽ soi vào sự kiện này.

* Nhiều phóng viên theo dõi mảng nội chính các báo tỏ ra hoang mang sau sự kiện hai đồng nghiệp bị bắt giam vì lý do không rõ ràng. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay trên mặt trận chống tiêu cực, báo chí đã làm rất nhiều việc. Trong lúc này báo chí chúng ta phải làm sao để nhân dân cảm thấy yên tâm về sự nghiệp chống tiêu cực vẫn tiếp tục, các nhà báo hãy vững niềm tin, không chùn bước.

* Qua sự kiện này, Hội Nhà báo TP.HCM có những động thái gì để bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình?

- Sắp tới đây chúng tôi sẽ có những tìm hiểu ở góc độ trách nhiệm và quyền hạn được giao để đánh giá về vụ việc. Chúng tôi sẽ làm hết khả năng, trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên của mình.

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,043

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn